Khách quốc tế tấp nập đến Việt Nam bằng tàu biển
Từ đầu năm 2024, thị trường khách tàu biển đã khởi sắc với một loạt tàu du lịch chở theo hàng ngàn du khách quốc tế cập cảng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Huế. Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón 90,7 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng tầu biển tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua, tàu biển quốc tế liên tục đưa hàng nghìn khách tham quan tới Hạ Long. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 60 siêu du thuyền với 80.000 du khách quốc tế đăng ký cập cảng Hạ Long.
Tương tự, Phú Quốc liên tiếp đón các tàu biển du lịch, siêu du thuyền chở nhiều khách hạng sang đến tham quan, vui chơi, mua sắm tại đảo ngọc.
Cụ thể, ngày 2/2, Phú Quốc đón tàu du lịch 5 sao Costa Serena chở khoảng 1.100 du khách quốc tế đến tham quan đảo ngọc. Tiếp đó, ngày 9/2, Phú Quốc đón tàu du lịch Aida Bella chở gần 2.000 du khách châu Âu tới tham quan Vườn quốc gia Phú Quốc.
Thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 đến nay, vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) đã đón 10 lượt tàu du lịch đưa hơn 20.750 du khách tham quan. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có khoảng 43 lượt tàu biển quốc tế chọn vịnh Nha Trang làm điểm đưa du khách lên bờ tham quan, thưởng ngoạn.
Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Nguyễn Thành Lưu cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, công ty đã phục vụ thành công hơn 10 chuyến tàu biển quốc tế mang theo hơn 30.000 khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng tầu biển sẽ tăng 10-15% so với năm 2023.
Lý giải nguyên nhân khiến ngành du lịch đón một lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam bằng tầu biển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nước ta có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo… là những điều kiện để có thể trở thành trung tâm du lịch tàu biển của châu Á.
Những khu du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển. “Du lịch biển trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế” - ông Tuấn nói.
Còn nhiều việc phải làm
Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này, tuy nhiên hạ tầng cảng biển, nguồn nhân lực thiếu và yếu, thiếu vắng các cơ sở mua sắm chất lượng cao phục vụ đối tượng có khả năng chi trả cao.
Theo Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, hiện nhóm khách tàu biển chi tiêu khoảng 100 USD/người cho thời gian trên bờ. Thế nhưng nhưng hiện nay các trung tâm thương mại của Việt Nam mới chỉ tầm trung so với các nước trong khu vực, chưa đủ sức hấp dẫn phân khúc khách quốc tế có mức chi tiêu cao.
"Nếu để khách chỉ dạo chơi vài vòng, xem múa rối nước, mua vài món đồ lưu niệm rồi về thì ngành du lịch, thương mại đã bỏ qua doanh thu từ nguồn khách này. Vì vậy, thời gian tới ngành công thương nên đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống siêu thị thành đại siêu thị" - ông Đạt hiến kế.
Tương tự, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ, hiện hầu hết hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn đến việc tàu khách phải nhường vị trí cho tàu chở hàng nên chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp. Bên cạnh đó các dịch vụ như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí... cũng chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.
Để khai thác và phát triển chuyên nghiệp loại hình du lịch này các chuyên gia du lịch cho rằng, địa phương cần đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tàu biển, từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp, từ cơ sở hạ tầng cảng biển, dịch vụ, điểm tham quan, tour.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, chính quyền các địa phương nên mở rộng khái niệm sản phẩm du lịch tàu biển theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, phát triển mạnh mẽ các cảng thuỷ nội địa, quốc tế, tổ chức nhiều điểm nghỉ biển với cơ sở hạ tầng tốt qua đó thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển nhiều lần thay vì một đi không trở lại. Hơn nữa, cần hình thành tuyến du lịch ven biển từ đó tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch từng địa phương.
“Để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch cần có đề án phát triển du lịch tàu biển. Bên cạnh đó cần lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ để xây dựng nên các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, không để khách “mang tiền đến rồi lại mang về” - ông Bình nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng các cơ quan hữu quan cũng cần có chính sách visa thông thoáng. Cụ thể, cải tiến thủ tục nhập xuất cảnh đối với khách du lịch tàu biển theo hướng cấp visa tập thể đối với toàn bộ du khách, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho khách.
Như vậy, để phát triển du lịch tàu biển đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tổng thể, đề xuất chính sách khai thác hiệu quả hơn nữa “mỏ vàng” loại hình du lịch này.