Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khám phá chợ cá Cồn Gò

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ cá Cồn Gò mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của làng quê vùng biển. Phiên chợ tấp nập từ lúc rạng sáng, sau đó, hải sản theo thương lái tỏa đi khắp muôn phương.

Tàu thuyền rộn ràng cập bến Cửa Nhượng khi màn đêm chưa tan
Tàu thuyền rộn ràng cập bến Cửa Nhượng khi màn đêm chưa tan

Đội đèn đi chợ

Từ khoảng 4 giờ sáng, những ngư dân vạm vỡ "đầu đội trời, chân đạp sóng" đã dong thuyền cập bến chợ cá Cồn Gò (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc này dưới biển, trên chợ lấp loáng ánh đèn pin, tiếng nói cười rôm rả như muốn xua tan màn đêm.

Chợ cá Cồn Gò lấp loáng ánh đèn pin.
Chợ cá Cồn Gò lấp loáng ánh đèn pin.

Vừa đon đả bưng từng rổ hải sản tươi rói dưới thuyền thúng lên bờ, chị Phương (quê ở xã Cẩm Nhượng) vui mừng bộc bạch, dịp này thời tiết thuận lợi, cá, tôm, mực, cua, ghẹ… rất dồi dào nên thuyền chỉ cập bến trong chốc lát rồi lại tiếp tục vươn khơi đánh bắt.

Đầu đội đèn pin, tay thoăn thoắt phân từng loại hải sản nhập cho các thương lái, chị Phương cho biết thêm, chồng làm nghề đi biển nên chị phải thức dậy từ rất sớm chuẩn bị lương thực, nước uống cho chồng và các thuyền viên. Công việc diễn ra hằng ngày rồi cũng thành quen, mọi người chỉ cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy ắp khoang thuyền.

Thời gian tiếp xúc không dài, nhưng qua vài câu chuyện kể của chị Phương cũng phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của cư dân làng biển. Đàn ông dong thuyền, rẽ sóng vươn khơi, phụ nữ ở nhà vừa thu gom, buôn bán hải sản vừa cáng đáng chăm lo, nuôi dạy con cái học hành.

Luồng lạch cạn, hải sản được vận chuyển bằng thuyền thúng lên bờ.
Luồng lạch cạn, hải sản được vận chuyển bằng thuyền thúng lên bờ.
Hải sản được phân loại bán cho các thương lái để kịp đưa đến các chợ trong sáng sớm.
Hải sản được phân loại bán cho các thương lái để kịp đưa đến các chợ trong sáng sớm.

Lúc này, màn đêm chưa tan, chợ cá Cồn Gò vẫn còn tấp nập. Ngồi trên chiếc thuyền thúng thư giãn sau chuỗi ngày đêm lênh đênh trên sóng nước, anh Dũng tự hào khoe, chuyến đi biển vừa rồi trừ chi phí xăng dầu, mỗi thuyền viên có thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Dịp này thời tiết thuận lợi, tôm, cá và các loài nhuyễn thể dồi dào, nên các thành viên chỉ ghé thuyền đưa “lộc biển” lên bờ rồi lại tranh thủ vươn khơi đánh bắt.

Trời chạng vạng sáng, chợ cá Cồn Gò bắt đầu thưa người, nhiều chuyến xe tải đông lạnh và các thương lái thu mua hải sản bằng xe máy cũng đã nhanh chóng rời khỏi chợ, đưa hải sản đi tiêu thụ khắp muôn nơi.

Nét đẹp văn hóa làng quê vùng biển

Chợ cá Cồn Gò - người bản địa quen gọi là chợ Gò hình thành từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết rằng, khu chợ đã hình thành từ rất lâu. So với các mùa trong năm, dịp này, chợ cá Cồn Gò sôi động nhất. Chợ chỉ diễn ra nhộn nhịp từ khoảng 4 giờ sáng cho đến khi mặt trời nhô lên khỏi mặt biển là lúc chợ vãn, mọi người ai về nhà nấy.

Phút gặp gỡ giữa người nhà và các thuyền viên trước lúc vươn khơi đánh bắt.
Phút gặp gỡ giữa người nhà và các thuyền viên trước lúc vươn khơi đánh bắt.

Phiên chợ bên mép sóng gắn bó mật thiết trong đời sống, sinh hoạt của cư dân. Người đến chợ chỉ mua bán hải sản tươi sống, chứ không hề có bất cứ một mặt hàng nào khác. Chợ diễn ra tấp nập khi màn đêm chưa tan, nhưng không hề xảy ra chen lấn, xô đẩy. Từ việc thu mua hải sản đến giọng nói, tiếng cười thể hiện nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần nơi làng quê biển.

Chợ cá Cồn Gò góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là nét đẹp văn hóa của cư dân quê biển Cẩm Nhượng.
Chợ cá Cồn Gò góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là nét đẹp văn hóa của cư dân quê biển Cẩm Nhượng.

“Chợ cá Cồn Gò không chỉ là chợ đầu mối cung cấp hải sản đi khắp nơi, mà từ lâu tiếng lành đồn xa, phiên chợ thu hút nhiều người dân, du khách thập phương đến khám phá, trải nghiệm.

Chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là việc ứng xử văn hóa ở chợ, để lại nhiều tình cảm, dấu ấn cho du khách” - ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết.

Sau phiên chợ, từng đoàn thuyền tiếp tục rẽ sóng vươn khơi đánh bắt thủy sản.
Sau phiên chợ, từng đoàn thuyền tiếp tục rẽ sóng vươn khơi đánh bắt thủy sản.

Nghề đi biển nhọc nhằn, vất vả sớm hôm. Những lúc thuận buồm, xuôi gió, thủy hải sản dồi dào đã mang đến nhiều niềm vui cho ngư dân. Vậy nhưng cũng có khi biển động, hoặc chuyến đi không may mắn, sản lượng đánh bắt đạt thấp, không đủ chi phí xăng dầu khiến cho công cuộc mưu sinh của ngư dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Mặt trời nhô lên khỏi biển, từng đoàn thuyền dương cờ Tổ quốc lên cao lại rẽ sóng vươn khơi. Ở bên mép sóng các mẹ, chị liên tục vẫy tay chào tạm biệt, cầu chúc cho chuyến đi biển thuận lợi, an toàn và hẹn gặp lại tại chợ cá Cồn Gò với nhiều niềm vui mới.