Khẩn trương tháo hai “nút thắt” của cao tốc Bắc - Nam

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề vật liệu và chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) là hai “nút thắt” lớn nhất của dự án cao tốc Bắc - Nam. Tiến độ nhiều dự án thành phần đang gặp khó vì vướng phải hai “nút thắt” này.

Các nhà thầu cần nhận đủ mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các nhà thầu cần nhận đủ mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhà thầu phải chờ đủ công địa

Hôm nay (23/2), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT có chuyến kiểm tra tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tại đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ ra 2 vấn đề cần đặc biệt lưu ý và giải quyết dứt điểm, đó là giá vật liệu và công tác GPMB.

Về vấn đề mặt bằng, đại diện nhà thầu Vinaconex cho biết, đơn vị thi công tổng cộng 17km đường, 7 cầu và 2 nút giao. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã bàn giao được 11/17km.

Dù chỉ còn khoảng 6km mặt bằng chưa được bàn giao nhưng trong số này có một đoạn mặt bằng tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch đi qua rừng tự nhiên nên chưa giải phóng được mặt bằng. Điều này cũng khiến cho đơn vị thi công không mở được đường công vụ.

Còn về vật liệu, đại diện nhà thầu Vinaconex cho hay, nhu cầu vật liệu của dự án giai đoạn này chủ yếu điều phối dọc tuyến và có thêm 250.000m3 đưa từ gói 2 sang.

 

Riêng về công suất khai thác cát tại mỏ ở khu vực 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, tới đây Bộ sẽ làm việc với địa phương và có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Để đảm bảo tiến độ dự án, nhà thầu Vinaconex đã đưa 40 kỹ sư, công nhân triển khai công tác chuẩn bị thi công, đồng thời bố trí xong nhà ở cho cán bộ, công nhân và xây dựng lán trại công trường.

Ngoài ra, nhà thầu này cũng đưa hơn 10 đầu thiết bị, chủ yếu là máy xúc, máy ủi để phục vụ công tác bóc phong hóa và hỗ trợ GPMB. Đại diện Vinaconex khẳng định, ngay khi đủ công địa, đơn vị sẽ đưa thêm máy, thiết bị, công nhân về thi công.

Tương tự, nhà thầu Phương Thành cho hay, hiện đã nhận được mặt bằng của 14km trong tổng số 20km đảm nhiệm thi công từ địa phương. Ngoài ra, phần việc mà nhà thầu này đảm nhiệm còn có 9 cây cầu.

Dù mặt bằng nhận được khá lớn nhưng lại không phải mặt bằng sạch hoàn toàn. Đại diện nhà thầu Phương Thành cho hay, do mặt bằng xôi đỗ nên đơn vị chỉ thi công được 7km. Phần còn lại không thể thi công do không đủ công địa hoặc không có đường công vụ để tiếp cận.

Để đảm bảo tiến độ dự án, nhà thầu đã đã tổ chức thi công ở 5 vị trí với 5 mũi làm đường, 4 mũi làm cầu. Huy động khoảng 80 đầu máy, thiết bị và 130 kỹ sư, công nhân.

Rào cản lớn nhất với tiến độ gói thầu XL02 do nhà thầu Phương Thành phụ trách chính là mặt bằng. Vướng mặt bằng đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận chuyển vật liệu do hầu hết khối lượng đất đá đào đắp là điều phối tận dụng, cần có đường để vận chuyển.

Đầy nhanh tiến độ GPMB và kiểm soát giá vật liệu là việc quan trọng để giúp các dự án cao tốc Bắc - Nam đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đầy nhanh tiến độ GPMB và kiểm soát giá vật liệu là việc quan trọng để giúp các dự án cao tốc Bắc - Nam đẩy nhanh tiến độ thi công.

Không thể ngồi chờ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, phải giải quyết triệt để những nút thắt về mặt bằng và vật liệu để đảm bảo tiến độ dự án. “Những vị trí nút thắt, đường găng không thể ngồi chờ, phải phối hợp với địa phương đẩy nhanh GPMB. Ưu tiên số 1 là phải thông đường công vụ, xong cầu tạm” – ông Lê Đình Thọ nói.

Về vấn đề vật liệu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các mỏ khi công bố giá phải tính toán một cách chính xác, gồm: Chi phí, thuế, tiền tài nguyên... để có giá đúng.

Đặc biệt, tất cả mỏ vật liệu khi đưa vào danh sách cấp cho dự án cao tốc tuyệt đối không được găm hàng, nâng giá. Lãnh đạo Bộ GTVT cảnh báo, tất cả trường hợp cố tình găm hàng, nâng giá vật liệu khi bị phát hiện sẽ đề nghị công an vào điều tra, xử lý.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA 6 và nhà thầu phải làm rõ khó khăn từng nút thắt, từng vị trí cụ thể và có giải pháp tháo gỡ. Vấn đề thiếu vật liệu mà nhà thầu nêu cần phải có giải pháp thực tế để giải quyết.

Trên thực tế, hai nút thắt mặt bằng và vật liệu tại các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mối quan hệ qua lại với nhau. Trong đó vướng mắc về mặt bằng đang là rào cản để để giải quyết vấn đề vật liệu.

Đại diện Ban QLDA 6 cho biết, dự án cần đắp tới 300.000m3 cát và 400.000m3 đất. Tuy nhiên, muốn tiếp cận được nguồn vật liệu này cần phải có mặt bằng. Trong khi công tác GPMB đang gặp vướng mắc vì người dân chưa đồng thuận.

Để giải quyết vấn đề mặt bằng và vật liệu, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định, tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành các mỏ. Đồng thời, giám sát chặt các mỏ về giá bán, công suất khai thác, trường hợp vi phạm sẽ rút giấy phép, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

 

Trong chuyến kiểm tra các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam tại Quảng Bình, đoàn công tác của Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã phát hiện DN kinh doanh cát tại mỏ cát Đức Toàn (nằm trên địa bàn xã Văn Hóa, huyệnTuyên Hóa) tăng giá bán lên gấp gần 5 lần so với giá kí hợp đồng với đơn vị khai thác. Cụ thể, giá khai thác cát mà DN này ký với đơn vị khai thác chỉ 35.000 đồng/m3 nhưng giá bán được DN thông báo lên tới 170.000 đồng/m3.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần