Khánh Hòa chuẩn bị khởi công hai tuyến đường liên vùng hơn 3.400 tỷ đồng

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến ĐT.656, kết nối Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận có tổng chiều dài khoảng 56,9 km và dự án tuyến đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh dài 19,15 km đang hoàn tất các thủ tục để triển khai trong quý I/2024.

Ngày 10/1, ông Phạm Văn Hòa – Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến ĐT.656, kết nối Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận và dự án tuyến đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh đang thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Các nội dung này dự kiến hoàn tất để phê duyệt dự án trước 31/1 và khởi công trong I/2024.

Khánh Hòa sẽ có đường 56,9 km kết nối ba địa phương Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận. (Ảnh quốc lộ 27C : Trung Nhân)
Khánh Hòa sẽ có đường 56,9 km kết nối ba địa phương Khánh Hoà - Lâm Đồng - Ninh Thuận. (Ảnh quốc lộ 27C : Trung Nhân)

Tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến ĐT.656 có tổng chiều dài khoảng 56,9 km. Điểm đầu dự án nằm tại nút giao giữa quốc lộ 27C với đường huyện HL.62 (ĐT.654C).

Về điểm cuối, theo quy hoạch sẽ nối vào khu vực ĐT.656 (huyện Khánh Sơn) hiện hữu, cách ranh giới tỉnh Ninh Thuận khoảng 12 km. Hiện nay, đoạn đường này đến ranh giới Ninh Thuận đã có tuyến đường cấp IV rộng 3,5 m đã xuống cấp, cần cải tạo nâng cấp.

Đây là dự án công trình giao thông đường bộ quan trọng cấp quốc gia, áp dụng hình thức đầu tư công, đường đạt cấp III miền núi cho toàn bộ tuyến, vận tốc thiết kế 60 km/h, đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc thì vận tốc thiết kế là 40 km/h.

Trung tâm thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. (Ảnh: Trung Nhân)
Trung tâm thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. (Ảnh: Trung Nhân)

Trong đó, có đoạn tuyến từ Km12 - Km42,25 tuyến đi qua địa hình vùng núi, khó khăn, hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, khe tụ thuỷ, cao độ thay đổi lớn 90 - 1.100 m, độ dốc ngang 20 - 40%. Đoạn này tuyến phải bám theo địa hình, do đó sẽ có vận tốc thiết kế là 40 km/h. Trên tuyến sẽ xây dựng 15 công trình cầu.

Tổng mức đầu tư của toàn tuyến là 1.930 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 102 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 1.464 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế 19 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 250 tỷ đồng.

Về tiến độ, dự kiến quý I/2024 dự án sẽ được phê duyệt dầu tư, khởi công và  hoàn thành vào năm 2027.

Khánh Hòa chuẩn bị khởi công hai tuyến đường liên vùng hơn 3.400 tỷ đồng - Ảnh 1

Khu vực nút giao đường Võ Nguyễn Giáp - Quốc lộ 27C - quốc lộ 1 khu vực huyện Diên Khánh. (Ảnh: Trung Nhân)

Riêng dự án tuyến đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh có chiều dài 19,15 km, đi qua 8 xã. Đoạn thuộc địa phận TP Nha Trang dài khoảng 1,05 km và đoạn thuộc Diên Khánh dài 18,1 km.

Khi hoàn thành, dự án sẽ hình thành một tuyến đường kết nối huyện Diên Khánh với Quốc lộ 1, Quốc lộ 27C và tuyến cao tốc Bắc Nam, tạo kết nối liên vùng giữa cụm đô thị hạt nhân của Khánh Hoà với các tỉnh như Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Đường liên vùng Diên Khánh khi hình thành sẽ kết nối huyện Diên Khánh với Quốc lộ 1, Quốc lộ 27C và tuyến cao tốc Bắc Nam, tạo kết nối liên vùng giữa cụm đô thị hạt nhân của Khánh Hoà với các tỉnh như Ninh Thuận và Lâm Đồng. (Ảnh: Trung Nhân)
Đường liên vùng Diên Khánh khi hình thành sẽ kết nối huyện Diên Khánh với Quốc lộ 1, Quốc lộ 27C và tuyến cao tốc Bắc Nam, tạo kết nối liên vùng giữa cụm đô thị hạt nhân của Khánh Hoà với các tỉnh như Ninh Thuận và Lâm Đồng. (Ảnh: Trung Nhân)

Đối với đoạn qua khu dân cư hiện hữu, mặt cắt ngang của tuyến đường sẽ là 30 m, bao gồm 4 làn xe chạy rộng 14 m, hai làn hỗn hợp rộng 4 m, vỉa hè hai bên rộng 8 m, dải phân cách giữa 2 m, dải an toàn 2 m.

Đối với đoạn ngoài khu dân cư, đường sẽ được thiết kế với mặt cắt ngang 23 m, gồm hai phần đường riêng mỗi bên rộng 7 m. Cụ thể, mỗi bên sẽ có 1 làn xe rộng 3,5 m, 1 làn hỗn hợp 2,5 m, lề đất 2 bên 1 m.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.496 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm khoảng  1.116 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 137 tỷ đồng... Nguồn vốn dự án sẽ gồm 400 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 1.097 tỷ đồng ngân sách địa phương.

Về tiến độ, dự kiến quý I/2024 dự án sẽ lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; quý II/2024 lập, trình duyệt hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công; giai đoạn quý II/2024 - 2027 sẽ thi công xây dựng và hoàn thành dự án; khâu giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025.