Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khánh Hòa mở rộng không gian phát triển, tăng sức cạnh tranh ngành du lịch xanh

Kinhtedothi - Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa điều chỉnh địa giới hành chính mà còn tạo dư địa lớn để ngành du lịch Khánh Hòa phát triển bền vững, đa dạng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trong khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ chất lượng cao năm 2030.

Mở rộng không gian - tăng sức cạnh tranh

Ngày 1/7 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp sau sáp nhập với Ninh Thuận, đưa diện tích toàn tỉnh lên hơn 8.550 km2, dân số đạt trên 2,2 triệu người. Việc hợp nhất này hình thành một quỹ đất rộng lớn, trải dài ven biển, kết nối liền mạch các vịnh, đảo và vùng đồi cát đặc thù của Ninh Thuận - tạo ra không gian phát triển mới cho ngành du lịch.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Khánh Hòa mới có đường bờ biển dài nhất nước với khoảng 490km và có hơn 71.000 phòng lưu trú phục vụ khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Khánh Hòa Cung Quỳnh Anh cho biết, Nha Trang - Khánh Hòa lâu nay nổi bật với các trung tâm du lịch biển - đảo như Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong… với hạ tầng lưu trú quy mô lớn, chuỗi resort cao cấp và các tour du lịch tàu biển quốc tế. Trong khi đó, Ninh Thuận là điểm đến nổi tiếng về du lịch sinh thái, văn hóa Chăm, trải nghiệm sa mạc đồi cát, vườn nho, đồng cừu và các cánh đồng điện gió…

Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới là địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt, nhiều tiềm năng, như bờ biển dài nhất cả nước (490km), hệ thống giao thông quốc lộ 1 cao tốc xuyên tỉnh, 3 di sản UNESCO cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ. Đây vừa là tiềm năng, vừa là thách thức để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa biển đảo hàng đầu.

“Sau sáp nhập, ngành du lịch sẽ khai thác được lợi thế về địa hình đa dạng, kết nối các sản phẩm biển - đảo với sa mạc, văn hóa Chăm và du lịch nông nghiệp đặc thù. Đây chính là dư địa để hình thành các tuyến, tour liên vùng, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu du khách” - ông Cung Quỳnh Anh chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt cho biết, trước đây nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Khánh Hòa đã thiết kế nhiều tour kết nối giữa Nha Trang - Phan Rang - Tháp Chàm để phục vụ du khách.

Những năm gần đây, Khánh Hòa luôn là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành đã có ý tưởng thiết kế các tour mới như tuyến Nha Trang - vịnh Vĩnh Hy - Hang Rái - đồi cát Nam Cương, hay tour biển đảo kết hợp du lịch cộng đồng tại các làng Chăm.

Cũng theo ông Nhựt, điểm thuận lợi lớn nhất sau sáp nhập là sự đồng bộ và bổ trợ về hạ tầng. Khánh Hòa hiện đã có sân bay quốc tế Cam Ranh, các tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các tỉnh phía Nam trong đó có TP Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa. Cùng với đó là các cao tốc đang triển khai và nghiên cứu như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Nha Trang - Liên Khương kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.

“Khách quốc tế sẽ dễ dàng bay đến Cam Ranh, di chuyển cao tốc thẳng xuống các khu nghỉ dưỡng ven biển Ninh Thuận mà không bị giới hạn hành chính trước đây. Hiện, các tàu du lịch quốc tế cập Cảng Cam Ranh cũng đã đi tour đến một số điểm du lịch tại Ninh Thuận cũ để trải nghiệm. Sự liền mạch này sẽ thu hút các tập đoàn lớn phát triển chuỗi resort và mô hình du lịch wellness, du lịch thể thao biển quy mô” - ông Phạm Minh Nhựt nhận định.

Các doanh nghiệp du lịch khai thác tối đa lợi thế "biển - đảo" để tạo ra các sản phẩm đặc sắc phục vụ mọi đối tượng.

Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển vùng, tuyến đường ven biển dài hàng trăm km sẽ được đầu tư mở rộng, nối liền các vịnh, bãi biển đẹp như Bãi Dài, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Cà Ná. Đây được coi là “trục xương sống” để phân bổ quỹ đất du lịch, giảm áp lực quá tải cho Nha Trang, đồng thời tạo động lực phát triển các đô thị ven biển mới.

Phát triển du lịch xanh - bản sắc - bền vững đến 2030

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, ngành du lịch sẽ đi theo mô hình “du lịch xanh, tăng trưởng xanh”, chú trọng khai thác giá trị bản địa và bảo tồn hệ sinh thái biển, đảo.

Ông Cung Quỳnh Anh cho biết: “Sáp nhập giúp tỉnh thuận lợi hơn trong việc hình thành các vùng du lịch chuyên đề, quản lý thống nhất, đồng thời phát triển các sản phẩm mới gắn với du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Chúng tôi kiên định mục tiêu thu hút phân khúc khách du lịch có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, qua đó đảm bảo phát triển bền vững”.

Ông Cung Quỳnh Anh cũng cho biết thêm, Sở VHTT và Du lịch Khánh Hòa đã hoàn thiện kế hoạch xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh cho các cơ sở lưu trú, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường biển. Khu vực Ninh Thuận với lợi thế “thủ phủ năng lượng tái tạo” (điện gió, điện mặt trời) sẽ là điểm nhấn để phát triển các mô hình nghỉ dưỡng gắn với du lịch năng lượng tái tạo.

Khánh Hòa đang hướng đến mô hình “du lịch xanh, tăng trưởng xanh”.

Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại cả hai địa phương đã chủ động tìm kiếm cơ hội mới. Nhiều chuỗi resort, homestay đã mở rộng kế hoạch hợp tác khai thác sản phẩm liên tỉnh, tận dụng chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh sau sáp nhập.

Ông Đỗ Thành Quân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thiên Nhiên cho biết, sự kiện sáp nhập là tín hiệu tốt, mở ra không gian du lịch rộng lớn, đa dạng về cảnh quan và văn hóa.

“Nếu các doanh nghiệp nắm bắt nhanh xu hướng, đầu tư sản phẩm đặc thù, Khánh Hòa mới sẽ trở thành điểm đến có chiều sâu trải nghiệm, đủ sức giữ chân du khách quốc tế dài ngày” - ông Quân nhận định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, để tận dụng tối đa lợi thế, tỉnh cần tập trung rà soát quy hoạch phân vùng du lịch, quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ và nhân lực du lịch. Hợp nhất nhưng không đồng nghĩa đồng nhất, mỗi vùng cần phát huy bản sắc riêng, tránh phát triển dàn trải, manh mún.

Song song, cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, địa phương cần được kiện toàn để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính. Các dự án lớn về hạ tầng, đô thị ven biển cũng cần được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ với chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững.

Khánh Hòa tìm nhà đầu tư cho 2 khu đô thị hơn 4.000ha 

Khánh Hòa tìm nhà đầu tư cho 2 khu đô thị hơn 4.000ha 

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng thúc đẩy đầu tư và du lịch qua ABAC 3

Hải Phòng thúc đẩy đầu tư và du lịch qua ABAC 3

08 Jul, 01:09 PM

Kinhtedothi - Kỳ họp lần thứ 3 năm 2025 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) sẽ diễn ra từ ngày 15-18/7/2025 tại Hải Phòng. Nhân dịp này, thành phố sẽ phối hợp tổ chức một loạt hoạt động bên lề, vừa mang tính đối ngoại, vừa quảng bá hiệu quả môi trường đầu tư, tiềm năng kinh tế, chính sách phát triển, đồng thời giới thiệu nét đẹp văn hóa và du lịch đặc sắc đến cộng đồng doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế.

Hải Phòng: công viên Giải trí VinWonders Vũ Yên thoả sức đam mê

Hải Phòng: công viên Giải trí VinWonders Vũ Yên thoả sức đam mê

01 Jul, 10:52 AM

Kinhtedothi - Nhằm chào mừng hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động, sáng 1/7/2025 tại Vũ Yên, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ Khai trương VinWonders Vũ Yên – dự án do Công ty Cổ phần Vinpearl, Tập đoàn Vingroup.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ