Khánh Hòa: Ngư dân đề nghị trả tàu đóng theo Nghị định 67

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 đề nghị trả tàu lại cho ngân hàng vì không gánh nổi tiền gốc và tiền lãi do càng đi biển càng lỗ…

Xăng dầu leo thang - nguồn biển cạn kiệt

Ngày 29/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô Thị, ông Võ Ngọc Tùng - chủ tàu cá KH-97179, kiêm Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang) cho biết, ông đã có đơn trả lại tàu cá KH - 97179 - tàu composite dài gần 20m đóng theo Nghị định 67 vì không kham nổi các chi phí.

Theo ông Võ Ngọc Tùng, Nghị định 67 là một trong nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển hiệu quả khi Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay ngân hàng với mức lãi suất 1 triệu đồng/tháng cho 1 tỷ đồng để đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá.

Sau khi tìm hiểu ông Võ Ngọc Tùng đã quyết định vay ngân hàng hơn 7 tỷ đồng và thêm khoảng 400 triệu đồng vốn đối ứng để đóng mới tàu comopsite dài 20m chuyên nghề lưới rê.

Ông Vũ Ngọc Tùng cho biết, ông đã có đơn trả lại tàu composite (màu xanh trắng) đóng theo Nghị định 67. (Ảnh: Trung Vũ).
Ông Vũ Ngọc Tùng cho biết, ông đã có đơn trả lại tàu composite (màu xanh trắng) đóng theo Nghị định 67. (Ảnh: Trung Vũ).

“Ngoài làm nghề biển tôi còn kinh doanh, nên cho đến nay, tôi không nợ quá hạn vẫn đóng đủ gốc lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tàu của tôi buộc phải nằm bờ liên tục. Ngoài ra, từ năm 2019, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn dần, việc tìm bạn đi biển cũng rất khó khăn, ngư cụ bỏ lâu ngày cũng đã hư hỏng không có tiền đầu tư mới. Mới đây, giá xăng dầu tăng cao nên phí tổn một chuyến đi ngày càng nhiều nên tôi quyết định có đơn trả tàu” - ông Ngọc Tùng chia sẻ thông tin.

Cũng theo ông Ngọc Tùng, năm 2021, gia đình ông đã lỗ khoảng 1 tỷ đồng vì các chuyến biển không được cá và giá cá cũng giảm nhiều. “Dù đi biển lỗ nhưng tôi vẫn bám biển vươn khơi góp phẩn bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, giá cả quá bấp bênh, một cân cá sọc dưa bán tại cảng hơn 20.000 đồng nhưng một lít dầu là hơn 23.000 đồng tiền. Trong khi đó, tiền hỗ trợ dầu cho ngư dân bám biển theo Quyết định 48, đến nay tôi chỉ nhận được khoảng 400 triệu đồng/700 triệu đồng theo tiêu chuẩn của mình” - ông Ngọc Tùng nói.

Nguồn lợi thủy sản không còn phong phú như trước khiến ngư dân gặp khó trong việc vươn khơi bám biển. (Ảnh: Trung Vũ).
Nguồn lợi thủy sản không còn phong phú như trước khiến ngư dân gặp khó trong việc vươn khơi bám biển. (Ảnh: Trung Vũ).

Trong khi đó, ông Trần Văn Mây - chủ tàu KH-99207 cũng cho biết, ông và gia đình đã có đơn trả tàu đóng theo Nghị định 67, với cùng lý do như ông Ngọc Tùng. Trong 2 năm dịch Covid-19, gia đình ông Mây đã lỗ hơn 1 tỷ đồng cho các chuyến đi biển, tuy nhiên ông không để nợ ngân hàng.

“Tôi làm nghề lưới rê, mỗi chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày và cần 12 - 13 bạn biển. Không cần biết có trúng cá hay không, để bạn bước lên tàu, chủ tàu phải gửi mỗi người 7 triệu đồng/chuyến nhưng rất khó để tìm đủ người đi biển trong những năm vừa qua. Cùng với đó là giá xăng dầu tăng, với mỗi chuyến biển cần 6.000 - 7.000 lít dầu với giá tăng từ hơn 23.000 lít như hiện nay 130 - 160 triệu đồng/chuyến. Như vậy, mỗi chuyến biển tiền phí tổn khoảng 250 triệu đồng/chuyến, đó là chưa kể tiền ăn uống, thuốc men cho bạn biển trong 20 ngày vươn khơi. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản cạn dần nhưng giá thu mua không tăng nên càng đi càng lỗ. Tính nhanh là chuyến biển nào dưới 10 tấn cá xem như thua lỗ” - ông Trần Văn Mây nói.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Đứng tại cảng cá Hòn Rớ, (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng chỉ tay về các con tàu đang nằm bờ cho biết: “Đang là mùa biển nhưng tàu nằm bờ quá nhiều, đây là điều bất thường, nguyên nhân là giá dầu tăng, giá bạn đi biển tăng nhưng giá cá không tăng, sản lượng biển cũng sụt giảm. Hiện nếu không còn chính sách hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 ngư dân sẽ bỏ biển”.

Ông Mai Thành Phúc cho biết, ngư dân ngày một khó khăn vì nguồn lợi thủy sản không còn và giá xăng dầu tăng cao (Ảnh: Trung Vũ).
Ông Mai Thành Phúc cho biết, ngư dân ngày một khó khăn vì nguồn lợi thủy sản không còn và giá xăng dầu tăng cao (Ảnh: Trung Vũ).

Ông Mai Thành Phúc cho biết, năm 2015 - 2016 với Nghị định 67 là một luồng gió mới cho người dân, giúp ngư dân đổi những con tàu nhỏ thành tàu lớn để vươn khơi bán biển. Tuy nhiên, không ai đoán trước 3 - 4 năm sau khi đóng tàu 67 (tàu đóng theo Nghị định 67 như đã nêu trên - PV), biển cạn kiệt, giá cả leo thang nhưng giá cá không tăng.

“Năm 2016, tôi hạ thủy tàu 67 hơn 4 tỷ đồng để vươn khơi, bám biển, năm đầu tiên đóng cả nợ và lãi được gần 400 triệu đồng. Năm thứ hai đi biển khó khăn nên bắt đầu bế tắc và bị ngân hàng ghép vào nợ xấu bị ngân hàng khởi kiện và đã có bản án. 40 năm làm biển, đến nay tôi cảm thấy bế tắc vì ra khơi thì ngư trường cạn kiệt, nằm bờ thì vẫn phải trả nợ ngân hàng” - ông Mai Thành Phúc trải lòng.

Theo ông Mai Thành Phúc, mỗi con tàu, mỗi ngư trường là một cột mốc chủ quyền trên biển Đông. "Với tư cách là Chủ tịch Nghiệp đoàn, tôi đề nghị các cơ quan liên quan phải vào cuộc ngay để tìm hướng tháo gỡ cho ngư dân “ôm” còn tàu vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu không giải quyết được, đề nghị ngân hàng thu lại tàu, cắt ngang tài sản bán, vì càng để dân càng nợ” - ông Mai Thành Phúc nói.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy Sản Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin một số chủ tàu 67 có đơn trả tàu. Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, hiện đơn vị đang làm việc với các ngân hàng để có báo cáo chi tiết sau đó sẽ làm báo cáo gửi lên tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Khánh Hòa, tỉnh có 31 tàu đóng mới, cải hoán nâng cấp theo Nghị định 67 đã đi vào hoạt động sản xuất. Trong đó, có 3 tàu vỏ gỗ nâng cấp 28 tàu đóng mới (nghề câu 10 chiếc, nghề rê 3 chiếc, nghề vây 8 chiếc, nghề Mành chụp 8 chiếc và dịch vụ hậu cần 2 chiếc).

Hầu hết tàu cá đóng mới và nâng cấp trên địa bàn tỉnh sau khi hạ thủy đều đi vào hoạt động sản xuất ổn định, có hiệu quả. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, tình hình khai thác đánh bắt hải sản của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác thấp, lao động đi biển khan hiếm, chi phí tăng cao, giá sản phẩm sau khai thác sụt giảm do tác động của thẻ vàng EC và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hiệu quả chuyến biến thấp.

Bên cạnh đó thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan khắc nghiệt, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển khơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tình trạng tai nạn cho tàu cá (bị chìm, mất tích…). Tình hình trên biển diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng của các nước lân cận đã có hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân khi đang khai thác trên vùng biển Việt Nam. Vì vậy, nhiều tàu có doanh thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng, một số tàu cá phải nằm bờ và đã bị các ngân hàng thương mại kiện ra tòa.

Để tạo điều kiện cho ngư dân có khả năng trả nợ, Sở NN&PTNN Khánh Hòa đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép Ngân hàng thương mại điều chỉnh lại phân kỳ trả nợ theo từng quý, chia đều trong thời gian vay vốn 16 năm mà vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định.