Ngân vang tiếng đàn Trơ ra bon
Từ núi rừng xanh thẳm, cơn mưa bất chợt đổ về. Lúc này ngôi nhà sàn của bà Hồ Thị Lịnh ở bản Rào Tre trở nên ấm cúng hơn, bởi các thành viên trong gia đình có dịp sum họp bên nhau sau những giờ lên nương rẫy. Như đã trở thành thói quen, bà Lịnh cầm đàn Trơ ra bon, một loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Chứt ra đánh.
Đàn Trơ ra bon được làm bằng ống nứa to, dài khoảng 50cm. Dọc ống nứa khoét các khe hở và được gắn 2 dây cước chạy song song. Khi thanh nứa (vật dụng để kéo đàn) lướt qua khoang miệng bà Lịnh cũng là lúc tiếng đàn ngân lên, âm thanh khi thì du dương lại có khi tiếng vang réo rắt.
Sau một lúc chơi đàn, bà Lịnh kể, họ và tên của bà do bộ đội Biên phòng đặt, còn tuổi thì không nhớ. Chỉ biết rằng trải qua bao mùa nương rẫy, trăng khuyết trăng lại tròn, giờ đây bà đã già, bước chân không còn nhanh nhẹn.
“Tôi đánh đàn Trơ ra bon từ khi biết lội suối bắt cá, lên rừng hái trái cây, săn muông thú. Còn nhớ, vào những đêm hội đốt lửa, hay dịp Lễ hội Tết Lấp lỗ (với ý nghĩa cắm lỗ, gieo hạt, báo hiệu đã hoàn thành việc gieo trỉa trên nương rẫy), Tết Chăm Cha Bới (còn gọi là tết mừng cơm mới)… trai gái trong bản thường nô nức đánh đàn, thổi khèn môi để giao lưu. Cũng từ tiếng đàn, tiếng khèn ngân vang giữa núi rừng trùng điệp mà nhiều người đã nên duyên vợ chồng” - bà Lịnh chia sẻ.
Tay cầm đàn, mắt trầm ngâm nhìn lên đỉnh núi Ka Đay cao vời vợi, bà Lịnh cho biết, ở bản Rào Tre chỉ còn vài người biết đánh đàn Trơ ra bon, thổi khèn môi. Do vậy, bà và một số người già trong bản đang phải nỗ lực truyền dạy các nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ, để bảo tồn nét đẹp sinh hoạt văn hóa của đồng bào người Chứt.
Khát vọng vượt đỉnh Ka Đay
Bản Rào Tre nằm dưới thung lung của đỉnh núi Ka Đay bốn mùa mây phủ. Dường như gió núi, mây ngàn và những âm thanh của núi rừng thân thuộc đang hòa quyện vào cuộc sống mộc mạc, giản dị đến dễ gần, dễ mến của đồng bào người dân tộc Chứt nơi đây.
Ông Hồ Đoỏng là người được coi thuộc thế hệ nhiều tuổi nhất ở bản Rào Tre, mặc dù chính ông cũng không biết năm nay mình đã bao nhiêu tuổi. Thấy có người lạ vào nhà, ông Đoỏng đon đả cho biết, bà con dân bản biết ơn Đảng, Bác Hồ, biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm. Nếu không có bộ đội biên phòng phát hiện, đưa về định cư ở bản Rào Tre thì không biết người Chứt sẽ đi đâu, về đâu trong rừng sâu, suối thẳm.
“Bản Rào Tre đã có nhiều đổi mới, bà con biết trồng lúa nước, hoa màu, phát triển chăn nuôi. Các thế hệ con cháu được học hành, một số em đã thi đậu vào trường đại học, cao đẳng. Các em chính là những mầm xanh, ươm khát vọng vượt đỉnh núi Ka Đay trở thành hiện thực” - ông Hồ Đoỏng tự hào khoe.
Sau cơn mưa, trời lại sáng, giữa bốn bề núi rừng, bản Rào Tre hiện lên thật gần gũi, thân thương. Ở đây ngoài những ngôi nhà sàn xinh xắn bằng gỗ, còn có nhiều ngôi nhà sàn (ở bản mới) được làm bằng tường xây, mái lợp ngói kiên cố, vững chắc. Những ngôi nhà sàn từ các nguồn hỗ trợ đã phần nào làm ấm lòng người Chứt, họ không còn lo dột nước khi mưa, gió lùa vào nhà trong mùa Đông giá rét.
Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên (SN 1988) chia sẻ, chị là đảng viên và cũng là nữ “thủ lĩnh” đầu tiên của bản làng. Trước đây đảm nhiệm trọng trách trưởng bản phải là những già làng uy tín, giỏi uống rượu, am hiểu việc ma chay. Sau nhiều năm làm trưởng bản, chị thấy rất vui vì đời sống mọi mặt của bà con được nâng lên, các hủ tục lạc hậu, tình trạng hôn nhân cận huyết thống được bãi bỏ, ngăn chặn kịp thời.
“Ánh sáng văn hóa về với bản Rào Tre. Đồng bào người Chứt đã tự tin mở rộng giao lưu với người Kinh và các bản làng dân tộc ở vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình. Không còn sống khép kín, biệt lập dưới đỉnh núi Ka Đay, âu đó cũng là một cơ duyên, vì sự phát triển, hồi sinh của đồng bào người Chứt” - Trưởng bản Hồ Thị Kiên vui mừng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, bản Rào Tre hiện có 46 hộ, 155 nhân khẩu là người dân tộc Chứt.
''Kể từ năm 2001, khi Tổ công tác được thành lập đến nay, chúng tôi thường xuyên gần gũi, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để tự chủ một phần lương thực; tuyên truyền, vận động các gia đình ăn ở hợp vệ sinh, giữa sạch môi trường góp phần nâng cao sức khỏe, tuổi thọ.
Người Chứt có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết, trước đây 100% bà con đều mù chữ, nhưng nay con em trong độ tuổi đều được đến trường. Với trách nhiệm của người lính cắm bản, ngoài giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, khôi phục nét đẹp sinh hoạt văn hóa, các lễ hội, trang phục truyền thống của người Chứt, không để bị mai một” - trung tá Nguyễn Văn Thiên cho biết thêm.
Rời bản Rào Tre khi những tia nắng ấm áp xuyên qua cánh rừng già, xua tan từng màn sương mờ ảo, tiếng chim rừng thánh thót trên cây, màu xanh của lúa, ngô, màu ngói mới tươi sáng bản làng, chúng tôi cảm nhận, cuộc sống của đồng bào người Chứt ở Rào Tre đang đổi mới đi lên trong hương sắc của núi rừng miền biên viễn.