Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi doanh nhân nữ đột phá, vươn tầm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, tạp chí Fortune đã công bố danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.

Đáng chú ý, danh sách này có sự hiện diện của ba phụ nữ Việt Nam, gồm Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm và CEO Vinamilk Mai Kiều Liên.

Bảng xếp hạng Fortune 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á ghi nhận những người phụ nữ đang thiết lập lại khái niệm lãnh đạo bằng cách chuyển đổi công ty, thay đổi diện mạo ngành và thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng kinh doanh, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Sự xuất hiện của 3 “bông hồng thép” Việt Nam trong danh sách này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, vươn lên, những đổi mới của lực lượng doanh nhân nữ mà còn thể hiện vị thế nước ta trên bản đồ DN, doanh nhân thế giới.

Ngoài 3 gương mặt nổi bật được xướng tên lần này, thời gian qua, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong mọi lĩnh vực, dẫn dắt DN vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm mới, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước và công tác an sinh xã hội.

Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực DN, trong giai đoạn 2012 - 2022, số lượng DN do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực DN. Hiện nay, Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới DN nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.

Thành công của các nữ doanh nhân đến từ sự linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên cường và bền bỉ. Các nữ lãnh đạo thường có thêm sức mạnh riêng - đó là sự thấu cảm và sức bền. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, sản xuất bền vững.

Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True Milk, Vietjet…

Các nữ doanh nhân không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những nỗ lực của các nữ doanh nhân đã khẳng định vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.

Dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, lực lượng doanh nhân nữ hiện vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các DN do phụ nữ làm chủ hiện nay đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít.

Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Để hỗ trợ hơn nữa lực lượng doanh nhân nữ, cần tăng cường các kế hoạch hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bền vững để DN có phụ nữ làm chủ có điều kiện phát triển, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Các kế hoạch này tập trung vào việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tạo ra giá trị cộng hưởng và mở rộng cơ hội cho các nữ doanh nhân.

Ngoài ra, việc xây dựng văn hóa DN tại các DN do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành DN hiệu quả cũng là giải pháp cần để xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho cộng đồng doanh nhân nữ.