Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi kiều hối không chỉ là nguồn lực tài chính

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chảy về Việt Nam lại gia tăng.

Kiều hối không chỉ hỗ trợ nâng cao đời sống người dân, là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước mà còn là tình cảm của kiều bào, của lực lượng lao động ở nước ngoài hướng về người thân, quê hương.

Báo cáo Điểm lại tháng 8/2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo nguồn kiều hối về Việt Nam đạt 14 tỷ USD trong năm 2023. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2023 thặng dư.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh dự báo, lượng kiều hối năm 2024 chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn sẽ tăng khoảng 20% so với năm qua. Tổng lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 8,92 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước đó.

Như vậy, con số kiều hối chung của cả nước có thể vượt qua mức dự báo của World Bank.

Theo phân tích của giới chuyên môn, lượng kiều hối trong năm 2023 có tốc độ tăng trưởng cao do hậu Covid-19 các quốc gia đã tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, các chính sách y tế nới lỏng. Từ đó, lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên, điều này góp phần lượng kiều hối gửi về tăng cao. Bên cạnh đó, kiều bào ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada… mặc dù gặp nhiều khó khăn kinh tế do lạm phát cao ở những nước sở tại, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ thân nhân và gia đình.

Kiều hối không chỉ mang về nguồn lực tài chính cho người dân và đất nước mà còn thể hiện tình cảm của kiều bào, của lao động Việt Nam tại nước ngoài với người thân, quê hương.

Theo đó, vào mỗi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về thường cao hơn bình quân chung của các tháng trong năm. Yếu tố này xuất phát từ tình cảm của đại bộ phận kiều bào hướng về quê hương, Tổ quốc, về người thân và gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về, gửi tiền về để biếu tặng người thân nhân dịp cuối năm, như là một truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân và cảm ơn bố mẹ, người thân ở quê nhà để có Tết đoàn viên.

Vì thế, bên cạnh chính sách hút kiều hối của hệ thống ngân hàng, nhiều địa phương cũng đã và đang có kế hoạch xây dựng các Đề án khơi thông và phát triển nguồn lực kiều hối phát triển kinh tế. TP Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Hiện, TP đặt mục tiêu thu hút kiều hối giai đoạn 2023 - 2030 bình quân mỗi năm tăng trưởng 10% thông qua nhiều giải pháp, trong đó có tăng lượng người Việt ra nước ngoài lao động bằng nguồn vốn ưu đãi; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút Việt kiều gửi vốn hoặc về nước kinh doanh.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng tăng tiện ích dịch vụ chuyển và nhận, chi trả kiều hối để thu hút nguồn ngoại tệ quan trọng này. Đặc biệt, trong quá trình chi trả kiều hối, các đơn vị cần tư vấn người nhận chuyển sang VND và mở tài khoản tiết kiệm ngân hàng để vừa tối ưu hóa lợi ích cho người nhận, vừa giữ được nguồn ngoại tệ trong hệ thống.