Khi Lịch sử có 52 tiết bắt buộc/năm: Giáo viên dạy Sử vừa vui vừa bối rối

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Lịch sử trở thành môn bắt buộc với học sinh cấp THPT từ năm học 2022- 2023 (thay vì môn lựa chọn như trước đó) đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc này là các học sinh vừa đỗ vào lớp 10 và các trường THPT.

Điều chỉnh chương trình môn Lịch sử

Tại kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành có nêu rõ phần nội dung bắt buộc của môn Lịch sử.

Học sinh lớp 10 năm học 2022- 2023 Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và vấn đề môn Lịch sử nói riêng sẽ đặt ra trực diện khi năm học mới bắt đầu
Từ năm học 2022- 2023, môn Lịch sử sẽ bắt buộc học 52 tiết với bậc THPT (Ảnh: Phạm Hùng)

Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh. Cùng đó, Bộ biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.

Ngoài ra, Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12 (Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2022).

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng sự phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, giám sát, đánh giá kết quả tham gia tập huấn của giáo viên.

Trước đó, Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế lại môn Lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 gồm cả hai phần tự chọn và bắt buộc một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo giáo dục truyền thống.

Các nhà trường đón nhận ra sao?

Kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đưa ra khi chưa đầy hai tháng nữa, năm học mới bắt đầu và chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng với học sinh khối 10 từ năm học 2022- 2023.

Vừa đỗ vào lớp 10 tại một trường THPT thuộc quận Đống Đa, em Nguyễn Hoàng Anh nhập học ngày 10/7 và trong phần đăng ký môn học lựa chọn, em đã không đăng ký môn Lịch sử. “Em học Ban A nên không đăng ký môn Lịch sử. Em học Lịch sử từ nhỏ và thấy đây là môn học rất hay. Tuy nhiên, nó không phục vụ định hướng nghề nghiệp sau này của em nên em đã lựa chọn môn học khác”.

Học sinh bậc THPT với tiết Lịch sử ngoại khóa (Ảnh: Nam Du)
Học sinh bậc THPT với tiết Lịch sử ngoại khóa (Ảnh: Nam Du)

Nguyễn Ngọc Minh Hằng, học sinh vừa đỗ lớp 10 tại huyện Thanh Trì cho hay: “Em rất yêu thích môn Lịch sử nên đã chọn môn học này. Sử mang đến niềm vui, chiều sâu tri thức, củng cố tình yêu nước trong thế hệ trẻ, do vậy là môn Sử rất đáng để học. Em không định hướng nghề nghiệp có liên quan đến môn Sử nhưng theo em việc học Sử là cần thiết”.

Hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa), Hoàng Chí Sỹ cho rằng, việc điều chỉnh chương trình đối với môn Lịch sử bậc THPT, đó là sẽ có 52 tiết bắt buộc/năm không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giảng dạy cũng như việc sắp xếp giáo viên dạy môn Lịch sử của nhà trường bởi theo chương trình cũ, số tiết Lịch sử theo hướng thay đổi như hiện nay không đổi khác đáng kể. Khi học sinh làm thủ tục nhập học lớp 10, nhà trường đã cho các em đăng ký môn bắt buộc và lựa chọn. Ngày 20/7, nhà trường sẽ rà soát, thống kê số lượng môn học theo đăng ký của các em. Ngoài ra, nhà trường cũng đợi hướng dẫn từ cấp trên”.

Ngược lại, một số hiệu trưởng khác lại cho rằng, nếu Lịch sử bắt buộc có 52 tiết/năm với học sinh lớp 10, 11, 12, chắc chắn sẽ phải điều chỉnh về sắp xếp giáo viên và chương trình. Những lớp học trước đó không chọn Sử, giờ bắt buộc học môn này thì sẽ lấy tiết đó ở đâu? Vì vậy, các nhà trường mong sớm được hướng dẫn cụ thể để thông rõ hơn.

Theo cô Nguyễn Thu Phương- giáo viên dạy Lịch sử ở một trường THPT thuộc quận Hoàng Mai, tâm lý của giáo viên Sử khá xáo trộn, có vui nhưng cũng có bối rối về sự điều chỉnh này. Thời gian tới, thông qua công tác tập huấn, hướng dẫn, các thầy cô mới có sự tường minh, tránh lúng túng khi triển khai.

“Việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới nói chung và vấn đề môn Lịch sử nói riêng sẽ đặt ra trực diện khi năm học mới bắt đầu. Trước khi được tập huấn, hướng dẫn, các nhà trường và giáo viên cần nêu cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, cầu thị trong nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa để thông suốt về mạch chương trình; từ đó đảm bảo vận dụng hiệu quả khi thực hiện theo điều chỉnh”- Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy nhìn nhận.