Khi nào phải hòa giải tranh chấp đất đai?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai có phải bắt buộc không? Trường hợp nào phải hòa giải và thủ tục tiến hành hòa giải thế nào? Hậu quả của việc hòa giải và không hòa giải tranh chấp đất đai?" - Nguyễn Thị An, quận Đống Đa, Hà Nội

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 202, Luật Đất đai 2013 và Bộ luật Dân sự 2015, Nhà nước khuyến khích các đương sự tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở để giải quyết tranh chấp đất đai. Thủ tục hòa giải ở UBND xã/phường tùy từng loại tranh chấp đất đai. Căn cứ Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, những trường hợp tranh chấp về công nhận/bác bỏ, tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh giới, ngõ đi... là những trường hợp buộc phải tiến hành hòa giải đất đai trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất... thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường nơi có đất tranh chấp không phải là thủ tục bắt buộc trước khi tiến hành khởi kiện ra Tòa án.

Về việc tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai, các bên đương sự làm đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai đến UBND xã, phường nơi có đất để đề nghị UBND xã, phường tổ chức hòa giải theo Điều 202 Luật Đất đai.

Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất, UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng TN&MT đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở TN&MT đối với các trường hợp khác.

Đối với trường hợp hòa giải không thành, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tiếp đến UBND có thẩm quyền (đối với các trường hợp không có các giấy tờ được quy định tại điều 100 Luật Đất đai)

Đối với những trường hợp mà các bên buộc phải hoàn thiện thủ tục hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện ra Tòa án mà không tiến hành hòa giải mà Tòa án đã thụ lý giải quyết. Căn cứ theo quy định tại Điều 192 và Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án buộc phải trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần