Khi nhà khoa học đồng hành cùng nông dân Đan Phượng
Kinhtedothi - Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông thực sự là cầu nối giữa các nhà quản lý, nhà khoa học với nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp huyện Đan Phượng.
Sáng 10/4, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đan Phượng tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ sản xuất, nông dân tiêu biểu của huyện Đan Phượng.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Ánh Ngọc
Nhiều bài học quý áp dụng vào thực tế sản xuất
Có kinh nghiệm nhiều năm trồng bưởi, song bà Nguyễn Thị Sơn, ở xã Thượng Mỗ rất lo ngại trước dịch hại do nhện gây ra cho vườn bưởi của gia đình. Băn khoăn của bà Sơn đã được TS Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi phân tích cụ thể. Theo TS Cao Văn Chí, nhện đỏ, nhện trắng thường gây hại trên cây bưởi vào thời điểm thời tiết hanh khô. Do đó, bà con nên phun thuốc phòng ở giai đoạn bưởi to bằng nút chai thì mới hiệu quả, và đổi loại thuốc vào mỗi lần phun. Tuy nhiên, biện pháp tối ưu hơn cả là bà con nên phun nước lã cho cây vào sáng sớm và chiều mát sẽ hiệu quả hơn phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Giải đáp thắc mắc của nông dân về biện pháp diệt trừ ruồi vàng, TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật chia sẻ, ruồi vàng đã trở thành đại dịch của cây ăn quả vì nó phát sinh quanh năm làm giảm năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, nông dân cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa ruồi từ sớm, tránh để đến khi ruồi đẻ trứng ký sinh trên quả thì không thể chữa trị được. Nông dân nên dùng bẫy Pheromone hoặc bẫy bả Protein để dẫn dụ ruồi kết hợp sử dụng túi nilon bọc quả. Song, để diệt trừ triệt để ruồi vàng, các hộ trong một vùng trồng cây ăn quả cần thực hiện đồng bộ, đại trà.

Ban cố vấn diễn đàn là các nhà quản lý và các chuyên gia nông nghiệp. Ảnh: Ánh Ngọc
Khuyến cáo người chăn nuôi về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, PGS.TS Lê Văn Năm cho biết, mặc dù hiện nay đã có vacine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này. Vì vậy, người chăn nuôi cần áp dụng các phương pháp phòng tránh bao gồm: vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh cá nhân người tham gia chăn nuôi; cách ly lợn bị bệnh, nghi bị bệnh; diệt ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán…
Diễn biến thất thường của thời tiết, sự phát sinh của các loại sâu bệnh là nguyên nhân chính khiến cây trồng, vật nuôi giảm năng suất, chất lượng. Theo các chuyên gia, phòng bệnh là quan trọng nhất trong khi đa số nông dân không coi trọng yếu tố này, chỉ khi thấy cây trồng, vật nuôi bị nhiễm bệnh mới chữa trị. Cách làm này vừa không hiệu quả lại tốn nhiều chi phí, đó là chưa kể việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tồn dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp.
Đồng hành cùng nông dân sản xuất an toàn
Thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên đia bàn huyện đã hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily, hoa đồng tiên, rau hữu cơ, nấm, nho hạ đen kết hợp với du lịch sinh thái.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.
Bên cạnh đó, nhiều nhãn hiệu tập thể nông sản của huyện được xây dựng như: bưởi tôm vàng Đan Phượng, hoa Đan Phượng, nấm Đan Phượng, sản phẩm chăn nuôi Phương Đình, thịt lợn an toàn Trung Châu… Các sản phẩm nông sản của huyện được đánh giá, phân hạng đạt OCOP 3 sao trở lên.
Nhiều hợp tác xã chuyên ngành được thành lập, hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Đan Phượng trên thị trường, tạo việc làm tăng, thu nhập cho người dân. Hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 héc ta canh tác của huyện đạt 470triệu đồng/ha/năm. Thậm chí, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 86 triệu đồng/người/năm.
“Trong thời gian tới, để phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, phát huy lợi thế của huyện ven đô, huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng lợi thế sông Hồng, sông Đáy để phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái. Tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, các chuỗi giá trị, tạo sự phát triển bền vững trong nông nghiệp” – ông Nguyễn Thạc Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Diễn đàn không những giúp nông dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác, mà còn là dịp để các hộ sản xuất, chủ trang trại học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm giàu. Qua đó, tăng sự gắn kết các cơ quan quản lý với nông dân trong việc tích cực đưa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhà nước vào cuộc sống.
Trích dẫn
“Những gì mà tôi và các chuyên gia chia sẻ là mong muốn được góp sức cùng nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Như vậy sức cạnh tranh của nông sản của Việt Nam mới được nâng lên và nông dân có cơ hội làm giàu trên đồng đất quê hương”

Thành lập Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và môi trường Hà Nội
Kinhtedothi - Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và Môi trường Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Hà Nội: gia tăng giá trị trồng trọt, hướng đến tăng trưởng nông nghiệp 3,5%
Kinhtedothi - Ngày 1/4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã đi thăm đồng, kiểm tra sản xuất vụ Xuân 2025 tại huyện Mê Linh.
Đưa nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Kinhtedothi - Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt được mục tiêu trên, lĩnh vực nông nghiệp cần bảo đảm mức tăng trưởng liên tục trên 3%. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ.