Đây là cách mà nhiều tỉnh, thành đã và đang thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
1 triệu giao dịch về nông sản qua sàn thương mại điện tử
Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỷ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm. Điển hình phải kể đến Bắc Giang, thủ phủ của vải thiều. Vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt sản lượng 180.000 tấn.
Đến thời điểm cuối tháng 6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 150.000 tấn, trong đó xuất khẩu 84.000 tấn, thị trường trong nước tiêu thụ 66.000 tấn. Giá vải thiều trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Có được thành quả này, bà con nông dân đã tích cực livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook,... tại vườn và chốt đơn hàng.
Không chỉ vải thiều, nhiều mặt hàng nông sản khác tại Bắc Giang như dưa lê, khoai sọ, lạc cũng được bà con nông dân đưa "lên sàn". Bà Nguyễn Thị Vân (65 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, gần đây bà đã sử dụng trang Facebook cá nhân để quảng cáo bán hàng. Bà Vân cho biết: “Tôi bán đủ thứ trên Facebook, mùa nào thức ấy từ dưa lê, lạc, khoai sọ, vải thiều... Mới đây tôi bán được gần 1 tạ vải thiều và gần 50kg khoai sọ qua Facebook. Khách hàng chủ yếu là người trong huyện, tôi nhờ con gái và con rể vận chuyển hàng giúp".
Bên cạnh bán nông sản qua mạng xã hội, nhiều người dân ở Bắc Giang còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Theo số liệu từ Bưu điện tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 7.786 gian hàng của các DN, hợp tác xã và hộ gia đình đăng ký hoạt động trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Từ đầu năm đến nay, các gian hàng này có 1.780 đơn hàng. Chia sẻ về kinh nghiệm đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, cho hay, thời gian qua địa phương này đã đưa thành công 132 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
"Trong tháng 6 vừa qua, 40 nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã hội tụ tại Lục Ngạn (Bắc Giang) để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ Chũ, tương La, bánh quế Ông Thọ, đông trùng hạ thảo... Buổi bán hàng livestream trên TikTok đã thu hút hàng triệu lượt xem” - ông Phong chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang, trong quá trình đưa nông sản lên sàn, khó khăn nhất của các địa phương là việc triển khai đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đa số các đối tượng đào tạo là nông dân, trình độ CNTT hạn chế, do vậy bà con còn gặp nhiều khó khăn trong thao tác, triển khai ứng dụng CNTT vào thực tế.
Bài học kinh nghiệm của Bắc Giang trong giải quyết câu chuyện trên là phải phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ sản xuất nông nghiệp về các lợi ích khi tham gia sàn thương mại điện tử.
21 tỉnh, thành phố thí điểm nền tảng địa chỉ số
Nền tảng địa chỉ số quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Giá trị của địa chỉ số có thể thấy rất rõ trong một số lĩnh vực như kinh doanh thương mại, logistic… Ví dụ, nếu nền tảng địa chỉ số được triển khai thành công trên cả nước, việc vận chuyển hàng hóa đến tay người mua sẽ trở nên nhanh chóng hơn. Trong khi người bán cũng tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) thông tin, hiện đã có 21 tỉnh, TP nhận bàn giao toàn bộ dữ liệu địa chỉ số. Trong 23,3 triệu địa chỉ số cần bàn giao trên cả nước, đã có 7,1 triệu địa chỉ số được bàn giao.
Là 1 trong số 21 tỉnh, TP đã thí điểm nền tảng địa chỉ số, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình Đỗ Như Lâm chia sẻ, kinh nghiệm, tỉnh đã chọn xã Thụy Dân (huyện Thái Thụy) để triển khai địa chỉ số, từ đó, đúc rút kinh nghiệm cho cả khu vực.
Ông Lâm cho hay, tỉnh đã đặt ra mục tiêu cho xã Thụy Dân cần bàn giao 1.500 địa chỉ số. Để thực hiện được điều này, đầu tiên, Sở TT&TT Thái Bình đã làm việc với lãnh đạo xã, huyện để cùng lên phương án xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm. Sau đó, xã đã cho thành lập 9 tổ công tác với với mỗi tổ gồm từ 7 - 9 thành viên để đi triển khai địa chỉ số trên địa bàn.
Từ thực tế hoạt động, mô hình này sau đó được tinh giản, rút gọn xuống còn 6 tổ với 2 người/tổ. Các tổ đã đi đến từng nhà, gặp từng chủ hộ mở ứng dụng để hiệu chỉnh tọa độ, thao tác ngay trên app. Đồng thời thông báo, lập biên bản có chữ ký của chủ hộ. Tổ công tác cũng phát cho họ tờ rơi thông tin ngắn gọn về lợi ích của địa chỉ số. Với sự nỗ lực của các tổ công tác, sau 15 ngày, việc triển khai địa chỉ số tại xã Thụy Dân đã hoàn tất.
Dù trong thời gian ngắn hoàn thành được chỉ tiêu đề ra của tỉnh nhưng các cán bộ triển khai địa chỉ số của xã Thụy Dân đã gặp nhiều khó khăn về công nghệ. Cụ thể là họ chưa thành thạo việc sử dụng bản đồ, hiệu chỉnh tọa độ trên ứng dụng.
Bên cạnh đó, ứng dụng địa chỉ số hoạt động chưa ổn định, thi thoảng quá tải, tắc nghẽn, một số tính năng chưa hoàn thiện, thao tác còn phức tạp. Hiểu được vướng mắc trên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Bình đã kiến nghị với Bộ TT&TT đề xuất thêm cơ chế, nguồn lực để các địa phương căn cứ vào đó có nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này.