Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi nước Mỹ vỡ nợ...

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Quốc hội và Nhà Trắng đang cố gắng đạt thỏa thuận trần nợ công, khi chưa đầy 2 tuần nữa là đến hạn 1/6 - ngày có khả năng bắt đầu vụ vỡ nợ chưa từng thấy của nước Mỹ. Những gì xảy ra sau đó là vô cùng rắc rối và khó lường.

Cổ phiếu lao dốc

Phố Wall có lẽ sẽ là điểm rắc rối đầu tiên. Cho đến nay, thị trường tài chính vẫn chưa xoay chuyển quá nhiều về vấn đề trần nợ. Tuy nhiên, điều đó dự kiến sẽ thay đổi khi Chính phủ càng tiến gần đến hạn vỡ nợ.

Các chuyên gia cho biết, cú sốc về việc không thể thanh toán sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính - bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, các công cụ phái sinh - trước khi lan ra toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Bảng quảng cáo ở Thủ đô Washington hiển thị giới hạn nợ công của Mỹ. Ảnh: AFP
Bảng quảng cáo ở Thủ đô Washington hiển thị giới hạn nợ công của Mỹ. Ảnh: AFP

Các cổ phiếu có thể sẽ giảm mạnh do dự đoán về suy thoái kinh tế rộng hơn, khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường để duy trì khả năng tiếp cận tiền mặt ngắn hạn của họ. Ngành ngân hàng, vốn đã cảnh giác với việc cho vay mới, có thể sẽ thắt chặt hơn nữa.

Lần gần nhất Chính phủ Mỹ tiến gần bờ vực vỡ nợ, chứng khoán cũng đã “bầm dập”. Đó là vào năm 2011, khi thỏa thuận giữa Tổng thống Barack Obama và các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội đạt được chỉ cách hạn vỡ nợ chưa đầy một tuần, khiến các chỉ số chính giảm khoảng 20%.

Moody's Analytics ước tính rằng giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 1/5, xóa sạch 10 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình và tàn phá tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ.

Nhà Trắng đã ước tính rằng mức giảm có thể lên tới gần 45%. Thị trường trái phiếu trị giá 46 nghìn tỷ USD cũng sẽ rung chuyển, khi giá trị của trái phiếu kho bạc hiện tại sụp đổ do lợi suất trái phiếu mới cao hơn. Và các DN có thể sẽ ngừng mở rộng kinh doanh - khiến cổ phiếu giảm sâu hơn nữa.

Suy thoái kinh tế đột ngột

Nếu bế tắc vẫn tiếp diễn, tác động sẽ nhanh chóng lan rộng từ thị trường tài chính sang nền kinh tế rộng lớn hơn. Sự sụt giảm của cải hộ gia đình trên toàn quốc, do bán tháo ở Phố Wall, sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, điều này cũng sẽ gây tổn hại cho các DN.

Và lãi suất tăng đột biến sẽ khiến việc vay vốn hoặc bắt đầu kinh doanh nhỏ trở nên khó khăn hơn. Điều đó cũng có thể làm sụp đổ thị trường nhà đất vốn đã nguội lạnh.

Một báo cáo gần đây của Zillow dự đoán rằng việc vỡ nợ sẽ đẩy tỷ lệ thế chấp lên trên 8%, và đẩy doanh số bán nhà ở xuống mức đáng kinh ngạc là 23%. Ngành xây dựng và các lĩnh vực khác tại Mỹ cũng sẽ cảm nhận rõ “nỗi đau”.

Tác động mạnh mẽ nhất có thể thấy là việc tạm dừng các khoản thanh toán liên bang thường xuyên cho hàng chục triệu gia đình Mỹ.

Thống kê có hơn 60 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp An sinh xã hội hằng tháng, chủ yếu là người cao niên. Một số phụ thuộc vào chương trình Medicare để có bảo hiểm sức khỏe.

Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ chi khoảng 6 nghìn tỷ USD trong năm nay, tương đương khoảng 16 tỷ USD/ngày. Tất nhiên, không phải tất cả số tiền đó đều trực tiếp đến tay các hộ gia đình, nhưng đó là một số tiền khổng lồ có thể biến mất khỏi nền kinh tế chỉ sau một đêm.

Một báo cáo năm 2013 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, bất đồng trần nợ năm 2011 đã gây ra sự sụt giảm 2,4 nghìn tỷ USD trong tổng tài sản hộ gia đình. Nền kinh tế rộng lớn hơn - theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng - có thể giảm tới 6%, tương đương với cuộc Đại suy thoái năm 2008 - 2009.

Hàng triệu nhân viên liên bang không rõ tương lai

Chính phủ Mỹ có một quy trình đóng cửa khi Quốc hội không phê duyệt ngân sách mới: các cơ quan có chi tiêu chưa được phê duyệt chuẩn bị cho người lao động nghỉ phép, đồng thời thông báo cho một số nhân viên thiết yếu rằng họ sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương.

Đã có 3 lần đóng cửa như vậy, kéo dài ít nhất một ngày mỗi lần, trong thập kỷ qua. Tất cả các nhân viên liên bang thường được hoàn trả lương sau đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc vượt trần nợ công có thể không giống như vậy.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng đến nay vẫn chưa phổ biến các hướng dẫn về việc đóng cửa chính phủ liên quan đến vỡ nợ - điều mà một số nhà phân tích ngân sách cho rằng sẽ khó khăn vì không có cách nào để biết Chính phủ sẽ không thể thực hiện các khoản thanh toán nào.

Đáng nói, sự không chắc chắn này có thể ảnh hưởng đến quân nhân Mỹ cũng như các kiểm soát viên không lưu và người lao động trong các công việc quan trọng khác của Mỹ. Theo Dịch vụ Nghiên cứu của Quốc hội, Chính phủ liên bang là nhà tuyển dụng lớn nhất cả nước, với khoảng 4,2 triệu nhân viên toàn thời gian.

Chi phí vay tăng, các vấn đề lan rộng ra toàn cầu

Chính phủ Mỹ có thể vay tiền tương đối rẻ vì nước này được coi là một rủi ro tín dụng rất an toàn trong những trường hợp bình thường. Sự an toàn của trái phiếu kho bạc Mỹ đã khiến chúng trở thành một khối xây dựng thiết yếu trong hệ thống tài chính thế giới.

Thế nhưng, bất kỳ công cụ tài chính nào có giá trị dựa trên trái phiếu kho bạc Mỹ đều có thể mất đi sau khi Washington vi phạm trần nợ, dẫn đến các biến động và sự không chắc chắn trên toàn thế giới.

Một ước tính của Viện Brookings đã chỉ ra rằng, việc vi phạm giới hạn nợ có thể làm tăng chi phí đi vay của Mỹ thêm 750 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Nhiều quốc gia bảo vệ tài chính của họ bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu Mỹ - hiện đóng vai trò dự trữ cho mọi thứ, từ ngân hàng trung ương của các nước đến các quỹ thị trường tiền tệ, được hỗ trợ bởi niềm tin và tín dụng đầy đủ của Chính phủ Washington.

Nhưng vi phạm trần nợ sẽ làm giảm giá trị của những trái phiếu đó, làm tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng điều đó sẽ làm tăng đáng kể thứ hạng của các quốc gia vốn đã chìm trong nợ nần, chẳng hạn như Sri Lanka và Pakistan, kéo theo khả năng gia tăng các cuộc biểu tình và bất ổn địa chính trị toàn cầu.

Cùng với đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh tăng lãi suất trong năm qua để kiềm chế lạm phát cũng đã làm xói mòn giá trị nắm giữ trái phiếu Mỹ đối với nhiều quốc gia.

Đồng USD sụt giảm cùng uy tín của nước Mỹ

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới đang được giữ bằng đồng đô la của Mỹ - gần gấp 3 lần so với bất kỳ loại tiền tệ nào khác.

Khoảng 60% các giao dịch ngoại tệ vẫn diễn ra bằng USD, nhưng việc Mỹ không trả được nợ - khiến giá trị của đồng bạc xanh lao dốc - có thể thay đổi những con số này.

Hơn hết, các chuyên gia cho rằng việc vỡ nợ có thể làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, với việc tiết lộ mức độ rối loạn chính trị nội bộ của đất nước.

Như chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen thừa nhận về hậu quả của khả năng vỡ nợ: “Điều đó có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.

Uy tín của một chính phủ ít nhiều gắn liền với khả năng ứng phó với khủng hoảng. Việc vi phạm trần nợ sẽ gây nghi ngờ đến khả năng của Chính phủ Mỹ không chỉ trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp, mà còn thể hiện ở một trong những chức năng cơ bản nhất là thanh toán các hóa đơn.

Nếu Mỹ không thể làm điều đó, người dân và các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác có thể tự hỏi, còn điều gì khác mà Washington không thể quản lý được nữa?