70 năm giải phóng Thủ đô

"Khi ông Trump chỉ còn lại 13 ngày tại Nhà Trắng, họ mới dám làm như vậy"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia đã lý giải về sự quay lưng đột ngột của nhiều doanh nhân, tập đoàn lúc này đối với Tổng thống Trump - người vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngay từ những ngày đầu nhậm chức.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.
Theo CNN, mối quan hệ giữa Tổng thống thứ 45 và các đại gia Mỹ rạn nứt sau hàng loạt cú đòn từ Washington vào những DN lớn, thuế nhập khẩu và thái độ dửng dưng với cuộc khủng hoảng khí hậu. Cuối cùng, việc ông Trump đã "kích động" đám đông bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 trở thành "giọt nước tràn ly".

Khi mới nhậm chức, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng DN. Cuối năm 2016, tổ chức Business Roundtable tuyên bố đánh giá cao đội ngũ kinh tế của Tổng thống và những lời hứa hẹn giảm thuế.

Tuy nhiên mới đây, Business Roundtable đã công khai chỉ trích các chính trị gia Mỹ lan truyền "thông tin hư cấu về cuộc bầu cử". Đại diện tổ chức này cảnh báo đây là mối đe dọa đối với nền dân chủ và kinh tế Mỹ. Các CEO nổi tiếng ở Mỹ cũng lên tiếng phê phán vụ bạo lực.

Năm 2017, Jay Timmons - CEO Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia Mỹ - từng lên tiếng thúc giục các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Trump, nói rằng: "Quốc hội phải lên con tàu của ông Trump".

Nhưng hôm 6/1, ông Timmons thậm chí đã kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence và nội các Mỹ xem xét tước bỏ quyền lực của Tổng thống Trump. "Đây là một sự hỗn loạn, là mối đe dọa với các cơ quan chính quyền hợp pháp. Điều này rất nguy hiểm", vị CEO nói, khẳng định hành động của ông Trump là hành động "nổi loạn chống chính quyền".
Một số nhà quan sát cho rằng, các doanh nhân có thể đã lên án ông Trump từ trước đó. "Những CEO này đã được cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và hưởng lợi từ các chính sách có lợi cho DN. Nhưng giờ họ không còn cần Trump nữa", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown bình luận, "khi ông Trump chỉ còn lại 13 ngày tại Nhà Trắng, họ mới dám làm như vậy".

"Tháng 1/2017, có rất nhiều sự ủng hộ. Ông Trump mang đến tiếng nói cho các DN. Cộng đồng doanh nhân khá hào hứng", Jeffrey Sonnenfeld, nhà sáng lập Viện Lãnh đạo Điều hành của Đại học Yale, nhớ lại. Cuối năm 2017 là thời điểm ông Trump ban hành các đợt cắt giảm thuế DN sâu rộng với lời hứa tạo ra một bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế.

Ngoài cắt giảm thuế, ông Trump còn bắt đầu làn sóng cắt giảm các quy định kiểm soát kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đã khao khát sự thay đổi trong suốt 8 năm của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tổng thống thứ 45 nước Mỹ cũng bổ nhiệm các thẩm phán đứng về phía DN trong Tòa án Tối cao.

Rõ ràng, khi ông Trump giành được Nhà Trắng, nhiều ngành công nghiệp coi ông là "phương tiện" để đạt được những chính sách ủng hộ doanh nghiệp mà họ vẫn luôn khao khát. "Họ (các DN) có được hầu hết thứ mà họ mong muốn", ông Ed Mills, nhà phân tích chính sách tại Raymond James, bình luận.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo DN có tiếp tục ủng hộ ông Trump vào thời điểm hiện tại hay không. Nhiệm kỳ của ông mang lại thuế thấp và sự ủng hộ đối với ngành công nghiệp năng lượng. "Nhưng có rất nhiều thứ khác đi kèm, chẳng hạn như ảnh hưởng đến thương mại và chống nhập cư", ông Michael Cembalest, Chủ tịch Chiến lược thị trường và Đầu tư tại JPMorgan Asset Management, nhận định.
"Tôi thực sự tin tưởng rằng nền kinh tế đang mong muốn sự ổn định và giảm biến động", ông Larry Fink, CEO BlackRock, khẳng định tại Bloomberg New Economy Forum, "mọi người đang tìm kiếm một tiếng nói ôn hòa thay vì những lời lẽ kích động".