Thời gian qua, chỉ số tỷ giá USD/VNDliên tục rung lắc trong biên độ rộng. Xu hướng giảm áp đảo, nhiều phiên bảng điện tử rực lửa, trong khi những chấm xanh hết sức khiêm tốn và gần như chỉ le lói.
Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước những thách thức thị trường có thể đối diện trong các tháng cuối năm. Trong đó, khó khăn có thể đến từ các yếu tố trên thị trường quốc tế, tỷ giá áp lực tăng và mặt bằng định giá một số nhóm ngành đã không còn rẻ.
Đặc biệt, diễn biến tỷ giá tăng cao cũng khiến thị trường chứng khoán gặp nhiều áp lực. Gần đây, cặp tỷ giá USD/VND đang tăng tương đối mạnh. Một trong những nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND – USD đang nới rộng khi chính sách tiền tệ ở Việt Nam và Mỹ là trái chiều nhau, tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD.
Đơn cử, ngày tỷ giá tăng nóng (18/9), thị trường duy trì sắc đỏ trong toàn bộ phiên giao dịch, VN-Index có thời điểm giảm sâu xuống 1.205 điểm. Trên cả 3 sàn, các mã giảm điểm áp đảo, khối ngoại cũng trở lại trạng thái bán ròng mạnh.
Trong ngày này, các ngân hàng thương mại liên tục đẩy tỷ giá USD lên nấc mới. Tại Vietcombank, tỷ giá đang yết ở mức 24.190 đồng/USD (mua vào và 24.530 đồng/USD (bán ra), tăng hơn 100 đồng chỉ trong vỏn vẹn một ngày. Loạt ngân hàng khác như ACB, VietinBank, Sacombank… đều cao hơn, vượt trên 24.540 đồng. Tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thậm chí vượt xa giá USD tự do đang giao dịch tại các cửa hàng.
Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phấn của thị trường. Về nguyên nhân khiến tỷ giá leo thang, đội ngũ phân tích MBS cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp.
Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND.
Tuy nhiên, ở chiều tích cực hơn, dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền vẫn luôn ở trạng thái sẵn sàng.
Chuyên gia nhìn nhận áp lực tỷ giá có thể chỉ mang tính cục bộ trong ngắn hạn. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ đầu năm tiếp tục tăng và hiện đạt khoảng gần 100 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu, là mức an toàn theo tiêu chuẩn của IMF (12-14 tuần). Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang có thặng dư thương mại tốt (xuất siêu hơn 20 tỷ USD 8 tháng đầu năm), FDI và kiều hối ổn định có thể giúp bảo đảm nguồn cung USD.
Mặt khác, định giá thị trường không còn rẻ sau khi phục hồi khá mạnh từ đầu năm ảnh hưởng đến quá trình đi lên của chỉ số. VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 14,5 lần (tương đương mức trung bình trong giai đoạn 2015-2023) và P/B 1,8 lần (thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2015 - 2023).
Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường trong những tháng vừa qua. Vì thế, với các yếu tố thuận lợi như môi trường lãi suất giảm thấp, các chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục được triển khai, xu hướng tăng của thị trường nhìn chung vẫn đang được duy trì.