Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó, dễ thực thi ESG ngành ngân hàng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị DN), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng.

DN có điểm số ESG càng cao thì năng lực thực hành ESG càng tốt.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 7/2024, có khoảng 80 - 90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ việc thực hành ESG trong hoạt động. Và có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.

Một số ngân hàng cũng đã ban hành “khung tín dụng xanh”, “khung khoản vay bền vững” nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững.

Về tín dụng xanh, theo thống kê đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.​

Dù mang lại nhiều lợi ích cho DN và nền kinh tế, tuy nhiên, việc triển khai ESG ngành ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm cơ sở tổ chức tín dụng xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh. Thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG.

Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng; đồng thời phát sinh thêm chi phí cho các tổ chức tín dụng phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.

Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn gây khó khăn trong cân đối vốn và bảo đảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.

Trong ESG ngân hàng, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng xanh cũng gặp nhiều thách thức do các ngân hàng phải đáp ứng các chỉ tiêu bảo đảm an toàn của NHNN. Ngoài ra, phải bảo đảm lợi ích của cổ đông, cân đối giữa lợi ích trước mắt và dài hạn.

Để đẩy nhanh thực thi áp dụng ESG cho ngành ngân hàng, các chuyên gia kiến nghị, nên có cả cơ chế khuyến khích lẫn chế tài. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc bắt buộc thực thi ESG được lồng ghép vào khung quản trị rủi ro của ngân hàng, coi ESG là một trong các thành tố quản trị rủi ro

Phía NHNN kiến nghị, cần xây dựng khung chính sách và quy định về ESG, hướng dẫn về tiêu chí ESG cho lĩnh vực ngân hàng, xây dựng công cụ đánh giá và xếp hạng ESG; đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ cập các kiến thức, kĩ năng về ESG, về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đạo đức kinh doanh, quản trị…

Đối với các tổ chức tín dụng, cần chủ động áp dụng ESG; cần nhìn nhận đây là cơ hội để đón đầu xu thế quốc tế, tận dụng các cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư ESG; tạo lập bộ phận chuyên trách và xây dựng lộ trình áp dụng ESG.