Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018:

Khó khăn trong chương trình mới lớp 10 đã được dự đoán và có giải pháp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 năm học 2022- 2023 có nhiều điểm mới, khó. Tổng Chủ biên Chương trình - GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các vấn đề này đã được dự đoán và việc triển khai sẽ không quá phức tạp.

GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên chương trình GDPT 2018 (Ảnh: VOV)
GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: VOV)

Hai dữ kiện quan trọng

Nếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) ở bậc tiểu học và THCS theo quan điểm tích hợp thì ở bậc THPT, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Theo đó, học sinh sẽ có 7 môn học và hoạt động bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương) và 5 môn học lựa chọn được chọn từ 3 nhóm: Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Học sinh lớp 10 sẽ học theo Chương trình GDPT mới từ năm học 2022- 2023
Học sinh lớp 10 sẽ học theo Chương trình GDPT mới từ năm học 2022- 2023

Việc phân chia môn bắt buộc và lựa chọn như trên khiến thầy cô, phụ huynh và học sinh bị ngợp vì sơ bộ, có hơn 100 tổ hợp môn lựa chọn. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới thì khi tính toán, Ban soạn thảo xác định hai dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.

Học sinh sẽ chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình và thêm 2 môn học ở nhóm khác. Về phía nhà trường, cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước nay. Tiếp đến là tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2. Căn cứ để xếp học sinh nguyện vọng 1 là “độ dốc” của điểm thi đầu vào lớp 10 THPT hoặc điểm tổng kết môn học đó ở THCS.

“Như vậy, trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế cho nên sẽ không thể xảy ra tình trạng giáo viên môn này quá tải, còn giáo viên môn khác không có việc làm”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Phù hợp định hướng nghề nghiệp

Lí giải việc đưa môn nghệ thuật vào chương trình, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đây là đón đầu xu hướng để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích của bản thân và dễ dàng trong định hướng nghề nghiệp sau này.

Giải quyết vấn đề trường THPT chưa có giáo viên dạy môn nghệ thuật, GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý giải pháp: Cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp. Ngành giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như đối với các môn học ở trường THPT.

Về việc đặt học sinh vừa vào lớp 10 phải lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường có thực sự hợp lý không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết điều này nhằm phục vụ định hướng nghề nghiệp của học sinh. Tuy nhiên, một giả thiết được đặt ra là: Nếu học sinh chọn môn học lựa chọn từ lớp 10 nhưng thời gian sau lại muốn thay đổi thì giải quyết ra sao? Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho rằng, việc này phải xem xét điều kiện cụ thể của từng trường. Nếu các em có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn mà nhà trường có điều kiện đáp ứng nguyện vọng ấy (ví dụ, sĩ số lớp học không vượt quá quy định) thì nhà trường sẽ bảo lưu kết quả học tập cũ để các em được lên lớp (nếu đủ điều kiện), nhưng các em phải sắp xếp thời gian học lại các môn học mới.  

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những vấn đề trên thực chất đã được giải thích cặn kẽ trong quá trình soạn thảo chương trình. Với riêng bậc THPT, việc thực hiện giáo dục phân hóa ngay từ lớp 10 để học sinh không phải học quá nhiều môn học, tập trung thời gian cho những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, chắc hẳn sẽ được dư luận đồng tình.

 

Ngày 18/12/2020, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 5512  về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó có việc xây dựng kế hoạch giáo dục, đồng thời cũng đã triển khai một mô-đun bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về xây dựng kế hoạch giáo dục. Căn cứ hướng dẫn của Bộ, các sở GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các trường.