Khó kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ dân sinh (hay còn được gọi là chợ truyền thống) là nơi cung cấp các loại thực phẩm cho đại bộ phận dân cư. Tuy nhiên, mất an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề nan giải tại các chợ dân sinh.

Khó quản lý nguồn gốc thực phẩm
Số liệu khảo sát của Tổ chức TP Sống tốt (Health Bridge) Việt Nam cho thấy, 85% số người dân đi mua sắm thực phẩm đều tìm đến các khu vực kinh doanh truyền thống là các chợ dân sinh, chợ vỉa hè, chợ cóc (trong các ngõ phố)... Mức giá của những sản phẩm ở hệ thống chợ cũng chỉ bằng 1/3 giá của các trung tâm thương mại, siêu thị. Đa phần các sản phẩm tại chợ dân sinh đều chưa được kiểm nghiệm và cấp chứng nhận ATTP, không có nguồn gốc rõ ràng.

Chị Nguyễn Thị Yên - một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, mỗi ngày quầy hàng của chị tiêu thụ hết từ 70 - 100kg thịt lợn. Nguồn cung được một xe tải phụ trách đưa hàng mỗi sáng và chị Yên cũng chỉ biết xe này lấy hàng từ một lò mổ bên tỉnh Hưng Yên cung cấp, không biết địa chỉ cụ thể. Nếu ngày nào chị nghỉ thì gọi điện báo trước, giữa hai bên không có hợp đồng, công nợ được ký trực tiếp vào sổ của người phân phối.
 Kiểm tra hóa nghiệm thực phẩm tại chợ Đại Mỗ. Ảnh: Chiến Công
Khảo sát tại nhiều khu vực chợ dân sinh trên địa bàn một số quận nội đô TP Hà Nội, như: chợ Lĩnh Nam, chợ Xanh (quận Hoàng Mai), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)..., đa số các tiểu thương buôn bán thực phẩm, rau quả đều không biết nguồn gốc xuất xứ của loại thực phẩm đang kinh doanh. Họ cho biết chỉ nhìn vào mắt thường thấy thực phẩm còn tươi thì nhập về bán, còn vấn đề đảm bảo ATTP theo các quy định hầu như chưa ai quan tâm.

Chuyên gia tư vấn công tác chợ trong xây dựng cộng đồng (thuộc Tổ chức Project for Public Spaces - Mỹ) Stephen Davies cho biết, yếu tố tiện lợi về vị trí cho việc đi lại mua bán, giá cả phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân và tự do thỏa thuận về giá cả khiến cho việc kiểm soát chất lượng VSATTP tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Chấm dứt giết mổ, sơ chế thực phẩm ngay tại chợ

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, năm 2017, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATTP; phạt 7.221 cơ sở hơn 38 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III/2018, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra định kỳ, đột xuất và hậu kiểm sau công bố được 961 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó phát hiện 162 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng. Tình hình triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế, lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc các loại thực phẩm tại các chợ dân sinh.

Giám đốc Tổ chức Health Bridge Việt Nam Kristie Daniel cho biết, ngoài việc chưa kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, môi trường ngay tại các chợ dân sinh cũng là một tác nhân gây mất ATTP. Đặc biệt tại các khu vực bán đồ thực phẩm, hải sản tươi sống ngay tại chợ, do không xử lý triệt để về nước thải, chất thải nên bị ô nhiễm, gây mất vệ sinh.

Theo bà Kristie Daniel, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới có hệ thống chợ dân sinh phát triển, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề về nguồn gốc thì các loại thực phẩm, thủy - hải sản tươi sống, các lò mổ nên thực hiện công đoạn bảo quản đông lạnh trước khi đưa ra chợ. “Cần chấm dứt việc giết mổ, sơ chế thực phẩm ngay tại các chợ, thay vào đó là ưu tiên các sản phẩm đã được sơ chế và bảo quản đông lạnh từ các lò mổ. Như vậy sẽ kiểm soát tốt được ATTP tại các chợ dân sinh” - bà Kristie Daniel nói.