70 năm giải phóng Thủ đô

Khó lách qua khe cửa hẹp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã phải kéo dài thêm một ngày so với lịch trình nhưng các Bộ trưởng Tài chính khối Eurozone đã không đạt được thỏa thuận nào khi thảo luận đề xuất của Hy Lạp cải cách và cắt giảm mạnh chi tiêu để được nhận gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 53,5 tỷ euro.

Sau khi thất bại trong việc tìm kiếm thỏa thuận mới trong cuộc họp kéo dài đến đêm 11/7 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Eurogroup buộc phải thừa nhận tình hình vẫn rất khó khăn và các cuộc họp sắp tới cũng trong tình cảnh tương tự. Trước mắt, việc Liên minh châu Âu (EU) đã bất ngờ thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khối này dự kiến diễn ra trong ngày 12/7 để bàn về số phận của Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu do các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone vẫn phải tiếp tục các cuộc đàm phán khó khăn về gói cứu trợ mới đối với Hy Lạp.
Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos vẫn chưa thuyết phục được các chủ nợ giải ngân gói cứu trợ.
Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos vẫn chưa thuyết phục được các chủ nợ giải ngân gói cứu trợ.
Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone vẫn chia rẽ về đề xuất cải cách mới nhất của Hy Lạp, trong đó Athens đã chấp nhận hầu hết các điều kiện ngặt nghèo mà giới chủ nợ quốc tế đã yêu cầu. Ngay trong nội các quốc gia châu Âu, sự khác biệt trong cách tiếp cận về thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp ngày càng gia tăng. Trong khi Pháp đánh giá đề xuất mới nhất của Hy Lạp đủ “cấp tiến” để đảm bảo một thỏa thuận cứu trợ, Đức vẫn tiếp tục hoài nghi về khả năng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thực hiện những biện pháp khắc khổ mà ông đang hứa hẹn. Berlin đã yêu cầu Athens phải thực hiện các cải cách và thắt chặt chi tiêu hơn nữa nếu không nước này tạm thời rời khỏi Eurozone trong 5 năm. Trước nguy cơ gia tăng bất đồng trong nội bộ Eurozone, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho rằng, đã đến lúc các thành viên của khối phải ngừng việc làm bẽ mặt Athens và tập trung tìm cách chấm dứt khủng hoảng ở quốc gia Nam Âu này, bởi việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone mang lại nhiều lợi ích cho các chủ nợ hơn.

Về phần Hy Lạp, tất nhiên là người dân nước này vẫn muốn ở lại Eurozone – biểu tượng thịnh vượng của Lục địa già mà không phải quốc gia nào cũng có thể chen chân vào được. Ngay cả khi bị nhìn nhận là một “mắt xích yếu”, là quốc gia “vùng trũng”, người dân của xứ sở thần thoại không dễ gì mà buông bỏ tư cách thành viên Eurozone. Vì thế, ngay sau khi người dân bỏ phiếu nói “không” với yêu cầu thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ, Thủ tướng Tspras đã thể hiện thiện chí của mình bằng cách gật đầu đồng ý với phương án thay thế Bộ trưởng Tài chính và đệ trình một đề xuất cải cách mới được nhìn nhận là “dễ chấp nhận” hơn với các chủ nợ. Tuy nhiên, trước việc Hy Lạp một lần nữa phải tìm cách lách qua khe cửa hẹp, các nhà quan sát một lần nữa cảnh báo, việc cung cấp gói cứu trợ tài chính để đổi lại các gói cải cách không bao giờ giúp Hy Lạp có thể trở thành một quốc gia châu Âu hiện đại, phát triển bền vững. Thay vì cung cấp cho Hy Lạp nhiều khoản vay hơn, đã đến lúc cung cấp một gói cải cách bền vững hơn và một chương trình cứu trợ nhân đạo khẩn cấp kèm theo để Athens có điều kiện ổn định tình hình đất nước.