Lương không đủ sống
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022 trên cả nước, tổng số giáo viên bỏ việc là hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên, tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1% (trong đó giáo viên mầm non bỏ việc chiếm tỷ lệ cao nhất so với các cấp học khác).
Từ sau dịch Covid-19, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đeo đẳng hệ thống giáo dục nói chung, đặc biệt là các trường mầm non trong và ngoài công lập. Dân số cơ học tăng nhanh, muốn tăng quy mô trường lớp, yêu cầu tất yếu là tuyển được đủ số lượng giáo viên đứng lớp. Thực tế thì ngược lại, nhiều giáo viên mầm non sau dịch đã bỏ việc đi làm công nhân, lao động tự do, bán hàng online… do quá áp lực, yêu cầu chuẩn tăng mà mức lương vẫn không đủ sống.
Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Trung Yên Trần Thị Hường cho hay, trường mới thành lập năm 2021 và từ đó đến nay liên tục tuyển dụng giáo viên nhưng chưa tìm đủ người.
Nếu các trường ngoài công lập, mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non từ 7 - 8 triệu đồng thì khối công lập, giáo viên mầm non lương khởi điểm chỉ khoảng 3 triệu đồng. Với mức lương thấp như vậy, rất khó để tuyển dụng được giáo viên mới, thậm chí có giáo viên cũ của trường còn xin nghỉ việc.
Theo nhà giáo Trần Thị Hường, Trường Mầm non Nam Trung Yên được quận Cầu Giấy đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại, trường tuyển sinh theo tuyến. Theo số trẻ hiện tại, trường đang thiếu 6-8 cô và dự báo số giáo viên thiếu sẽ còn tăng lên vì năm học tới dự báo số trẻ ra lớp sẽ nhiều hơn.
“Tham dự Ngày hội việc làm Trường ĐH Thủ đô, chúng tôi hy vọng tuyển được 3-4 cô nhưng xem ra không đơn giản. Từ khi thành lập đến nay, trường thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng nhưng chưa tuyển được giáo viên nào là sinh viên sư phạm mới ra trường”- Hiệu trưởng trường Mầm non Nam Trung Yên nói.
Cô Nguyễn Thị Hoài, trú tại huyện Mê Linh có thời gian làm giáo viên mầm non tư thục với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng. Khi trường mầm non công lập gần khu vực cô sinh sống tuyển giáo viên, cô nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển viên chức. Những tưởng, đây là dấu mốc hạnh phúc vì từ nay cô có một vị trí việc làm ổn định nhưng khi nhận tháng lương thử việc đầu tiên chỉ vỏn vẹn 2,1 triệu (sau khi trừ bảo hiểm), cô lập tức nảy sinh ý nghĩ sẽ bỏ việc hoặc sẽ xin về trường tư thục để dạy. “Tôi nuôi một con nhỏ. Số tiền hơn 2 triệu tiền lương không thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho hai mẹ con”- cô Hoài cho biết.
Cần giải pháp phù hợp
Trên các trạng mạng xã hội về tìm kiếm, tuyển dụng giáo viên mầm non, chưa bao giờ nhân sự mầm non lại… đắt giá như vậy. Nếu trước đây, các nhà tuyển dụng thường đặt ra yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực… thì nay hầu hết các trường đều trải thảm mời gọi giáo viên mầm non về trường. “Em có con nhỏ, sống đơn thân, quê xa, yêu cầu mức trên 6 triệu cộng nhà ở cho hai mẹ con. Khi đưa ra yêu cầu này với nhà trường, em đã được tuyển dụng đi làm ngay. Đây là điều trước đây không thể có”- cô Hà Thị Thu, một giáo viên mầm non thuộc quận Cầu Giấy kể lại.
Vài ngày qua, cùng việc tố cáo định lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ không tương xứng với mức tiền 70.000 đồng/ngày tại cơ sở mầm non AMIS Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm), phụ huynh học sinh còn tố cáo cơ sở mầm non này có đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn. Ông Đỗ Tuấn Trung, Quản lý vận hành Hệ thống AMIS đã giải thích: "Sau thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài, giáo viên mầm non đã phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể trụ vững và mới bước đầu quay trở lại làm việc bình thường. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực giáo viên mầm non ở Hà Nội, cũng như nhiều cơ sở mầm non khác, Mầm non AMIS Trần Hữu Dực đã tuyển giáo viên sư phạm chưa nhận bằng tốt nghiệp đến đảm nhiệm vị trí giáo viên hỗ trợ giáo viên chính trong việc chăm sóc các con và coi đây là nguồn bổ sung tạm thời cho cơ sở...".
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tuyển giáo viên, thiếu giáo viên triền miên tại các trường mầm non thuộc nhiều khu công nghiệp trên địa bàn TP, cô Nguyễn Phương Thảo - chủ hai nhóm lớp mầm non tư thục tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, thời điểm trường học đóng cửa do dịch Covid- 19, rất nhiều giáo viên mầm non xin đi làm công nhân khu công nghiệp. Công ty có nhiều đơn hàng, các công nhân trước là giáo viên mầm non tích cực tăng ca nên mức lương được hưởng khá cao (khoảng hơn 10 triệu/tháng). Do đó, hầu như cô nào đã làm công nhân thì không quay trở về nghề giáo viên mầm non nữa.
Giáo dục mầm non là ngành đặc thù và có vai trò xã hội rất quan trọng. Theo TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Trường Cao đẳng mẫu giáo Trung ương) thì, xét trên phương diện việc làm, ngành giáo dục mầm non rất hấp dẫn. Ở thời điểm hiện tại, giáo viên mầm non đang khan hiếm và thiếu, vì vậy nhu cầu nhân sự ngành mầm non tới đây sẽ còn lớn hơn. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi người dân về nhu cầu việc làm của ngành này để thu hút học sinh theo học đông đảo hơn nữa.
Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ GD&ĐT đề nghị nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục; đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…
Ngoài chính sách chung của nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.
Tháng 12/2022, Bộ GD&ĐT có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, đồng thời đề xuất 8 mức phụ cấp (từ 25%-100%).
Tại Tờ trình, có 2 mức phụ cấp cao nhất được đề xuất áp dụng cho giáo viên mầm non. Cụ thể: "Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ".