Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khó thu hút người làm nghề cứu hộ động vật hoang dã

Kinhtedothi - Cơ chế đãi ngộ, thu nhập của bác sĩ thú y, công nhân tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội hạn chế, nhưng nơi đây là môi trường toàn diện và lý tưởng để trau đồi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ đối với những người đam mê nghề đặc thù này.

Đây là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội Lương Xuân Hồng với báo Kinh tế & Đô thị.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ tại một hội thảo chủ đề về bảo vệ ĐVHD. Ảnh: Ánh Ngọc

Không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng bác sĩ thú y. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Việc tuyển dụng biên chế bác sĩ thú y đúng là rất khó khăn do không mấy người mặn mà ứng tuyển. Nhiều năm trước, Trung tâm chỉ có 1 bác sĩ thú y. Mặc dù 100% công nhân ở đơn vị đều có bằng Trung cấp Chăn nuôi - Thú y, nhưng để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn về thăm khám, chữa trị bệnh cho các cá thể ĐVHD, Trung tâm cần có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm.

Năm 2022, Trung tâm đã tuyển dụng thêm được 3 bác sỹ thú y, nên công việc thăm khám chữa bệnh cho ĐVHD cũng phần nào được san sẻ và giảm tải hơn.

Về nguyên nhân khó tuyển dụng, theo tôi là do nghề cứu hộ ĐVHD mang tính chất rất đặc thù. Thứ nhất, hiện nay, trong các trường đại học, cao đẳng không có khoa đào tạo riêng về bác sỹ ĐVHD nên sinh viên mới ra trường thường không tự tin khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với ĐVHD.

Thứ hai, điều kiện làm việc ở Trung tâm khá xa trung tâm Thủ đô. Trong khi làm việc với ĐVHD rất nguy hiểm, nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ ĐVHD rất cao. Đặc biệt, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nếu không thực hiện đúng, nghiêm túc quy trình làm việc.

Bên cạnh đó, công việc nặng nhọc nhưng chế độ đãi ngộ và thu nhập hạn chế chính là rào cản tuyển dụng viên chức. Đáng nói, có một số bác sĩ thú y trúng tuyển, đến Trung tâm làm việc nhưng khi chứng kiến công việc vất vả có những bạn nghỉ việc luôn hoặc làm việc một thời gian rồi chuyển công tác, nghỉ việc.

Bác sĩ thú y chăm sóc cá thể rùa tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Phải chăng rào cản lớn nhất là tâm lý?

- Chắc chắn rồi, bởi mới đầu nhìn, tiếp xúc, phần đông mọi người sẽ có những sự ái ngại nhất định như con hổ, con gấu rất hung dữ, con rắn rất nguy hiểm nghĩa là nhìn thấy nguy cơ xảy ra lây nhiễm ĐVHD sang con người rất cao, và nguy cơ tiềm ẩn những tai nạn rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Dĩ nhiên nó chỉ là nguy cơ, bởi khi thực hiện đúng, nghiêm túc tất cả các quy trình thì việc đó cũng không phải vấn đề lo ngại.

Đáng nói, ngày nay xã hội phát triển, người dân nuôi thú cưng nên bác sĩ thú y có nhiều sự lựa chọn và nghề khám chữa bệnh, chăm sóc cho thú cưng cũng trở nên thu hút, hấp dẫn hơn. Hiện tại, bác sĩ thú y mới ra trường làm việc phòng khám thú cưng thì lương tối thiểu cũng dao động trên dưới 7 triệu đồng/người/tháng, những người có kinh nghiệm lâu năm khoảng 10 triệu trở nên. Trong khi đó, làm việc trong môi trường chăm sóc thú cưng nhàn hơn, thân thiện hơn; điều kiện làm việc mát mẻ, sạch sẽ và nguy cơ nguy hiểm gần như là không có.

 

Hiện tại, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD có tổng biên chế 26 người, bao gồm 22 viên chức và 4 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Trong số này có 4 bác sĩ thú y, 14 công nhân.

Đối với công nhân, ngoài ngành nghề thú y, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp rất lớn, với những chính sách đãi ngộ, thu nhập, điều kiện làm việc tốt nên thu hút được nhóm lao động trẻ làm việc.

Nhiều rào cản như vậy, song không phải là Trung tâm không có lợi thế khi thực tế có những bác sĩ, công nhân đã gắn bó, cống hiến tuổi trẻ, công sức và trí tuệ để phát triển Trung tâm, thưa ông?

- Đó là điều tôi rất tự hào. Trung tâm đã xây dựng thành công môi trường làm việc văn minh, môi trường nâng cao năng lực trình độ cho người lao động. Tại đây mọi người được thực hành, làm những việc mà ở những nơi khác không có được.

Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ nhiều loài ĐVHD nên thường xuyên có những chuyên gia trong nước và thế giới, các tổ chức phi chính phủ đến tập huấn, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, phương pháp thăm khám, điều trị bệnh tiên tiến. Thực tế cho thấy, những bác sĩ chuyên tâm làm việc ở đây chỉ khoảng 3 - 4 năm là họ trưởng thành về chuyên môn tương đương với làm ở môi trường khác 7 - 8 năm.

Tôi muốn khẳng định một lần nữa là mức thu nhập ở Trung tâm hạn chế nhưng đối với những người, nhất là những bạn trẻ đam mê học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, không đặt nặng về vấn đề thu nhập thì Trung tâm là môi trường lý tưởng.

Công nhân vệ sinh chuồng trại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Hiện tại, đâu là những khó khăn trong quá trình cứu hộ, chăm sóc các loài ĐVHD của Trung tâm cần được tháo gỡ?

- Thời gian qua, mặc dù chất lượng chuyên môn trong việc điều trị bệnh cho ĐVHD của Trung tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt được các yêu cầu theo tiêu chuẩn thú y thế giới. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa của Trung tâm chưa như mong muốn, do số lượng ĐVHD thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp.

Trong khi đó, dự án mở rộng Trung tâm chưa được triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài ĐVHD. Hơn nữa, ĐVHD đưa đến Trung tâm phần lớn được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày nên công tác cứu hộ, chăm sóc rất gian nan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vượt suối, băng rừng thả động vật hoang dã

Vượt suối, băng rừng thả động vật hoang dã

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bức tranh nông thôn mới ở miền biên viễn Điện Biên

Bức tranh nông thôn mới ở miền biên viễn Điện Biên

14 Jul, 01:40 PM

Kinhtedothi – Từ vùng đất nông nghiệp truyền thống, nhiều bản làng ở Điện Biên đã “thay da đổi thịt” nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Không chỉ là những con đường bê tông, nhà văn hóa khang trang, mà còn là sự đổi thay trong tư duy phát triển, ứng dụng công nghệ và phát huy nội lực cộng đồng.

Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn

Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn

07 Jul, 10:41 AM

Kinhtedothi-Từ đầu tháng 7, Quảng Ngãi đồng loạt ra quân thực hiện cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025. Dữ liệu thu thập lần này sẽ là cơ sở quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn phù hợp với giai đoạn mới, đặc biệt sau khi địa phương mở rộng địa giới hành chính.

Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

01 Jul, 11:06 PM

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, kiên trì, kiên định để thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và "giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững".

Gia tăng giá trị cho nông nghiệp Hà Nội

Gia tăng giá trị cho nông nghiệp Hà Nội

01 Jul, 03:18 PM

Kinhtedothi – Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Hà Nội lựa chọn phát triển nông nghiệp đa giá trị, song vẫn mang những đặc trưng, hài hòa với quy hoạch đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ