Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm: “Cú hích” cho ngành khai thác đá

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tỉnh, thành khu vực phía Nam vừa khởi công nhiều công trình dự án giao thông trọng điểm. Theo đó, nhu cầu sử dụng vật liệu đá xây dựng cần đến hàng triệu m3.

Tỉnh Đồng Nai có trữ lượng đá xây dựng khoảng 2.946 triệu m3. Đây là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong khu vực.
Tỉnh Đồng Nai có trữ lượng đá xây dựng khoảng 2.946 triệu m3. Đây là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong khu vực.

Khởi công đồng loạt các dự án giao thông trọng điểm

Hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam đã khởi công. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh) dài 76km, khởi công ngày 18/6/2023. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tổng chiều dài 188,2 km, khởi công ngày 17/6/2023.

Công trình xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được thi công. 
Công trình xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được thi công. 

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km. Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 34,2km và qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án được khởi công ngày 18/6/2023, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. 

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản, dự án thành phần 2 dài 18,2km do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản. Và dự án thành phần 3 dài 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.

Ngày 31/8/2023, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công xây dựng 2 gói thầu quan trọng nhất của sân bay Long Thành. Trong đó, gói thầu thứ nhất (số 5.10) là thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách. Gói thầu thứ hai (số 4.6) xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.

Việc thi công đồng loạt các gói thầu công trình lớn nói trên tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam là một cú hích lớn đối với ngành vật liệu đá xây dựng. Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2023 - 2027 sản lượng tiêu thụ đá xây dựng tại khu vực miền Nam ước tính xấp xỉ 13,5 triệu m3. Chỉ tính riêng nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là khoảng 7,9 triệu m3.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh) sẽ tạo động lực tăng trưởng cho ngành vật liệu đá xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2027.

Nhu cầu sử dụng đá xây dựng tăng, giá cũng tăng

Theo đánh giá của Liên đoàn bản đồ địa chất Miền Nam, tỉnh Đồng Nai là nơi có trữ lượng khoáng sản lớn ở khu vực Đông Nam bộ. Trong đó trữ lượng khoáng sản lớn nhất là đá xây dựng, với khoảng 2.946 triệu m3. Đây là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong khu vực.

Được biết, cụm mỏ Tân Cang (thuộc TP Biên Hòa) được xem là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh nhờ vị trí gần công trường nhất. Cụm mỏ Thạnh Phú và Thiện Tân (thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là nguồn cung cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long vì vị trí các cụm mỏ đá này gần sông Đồng Nai nên thuận tiện cho vận chuyển đường thủy.

Nguồn đá từ cụm mỏ Thiện Tân (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được khai thác và vận chuyển theo đường sông phục vụ nhu cầu xây dựng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn đá từ cụm mỏ Thiện Tân (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được khai thác và vận chuyển theo đường sông phục vụ nhu cầu xây dựng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở thời điểm năm 2018, giá đá ở khu vực TP Biến Hòa giao động từ 350.000 đồng đến 450.000 đồng/m3. Đến năm 2020 - 2021 giá đá rơi xuống thấp nhất là dưới 300.000 đồng/m3. Đến năm 2023 giá đá lại tăng nhẹ lên mức từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng/m3.

Hiện nhu cầu sự dụng nguồn vật liệu đá xây dựng đang tăng cao. Trong đó, giá đá xây dựng có xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn giữ ổn định qua từng quý. Tại thời điểm quý 1/2023, giá vật liệu đá xây dựng tăng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá bán quý 2/2023 tăng 2,7% so với quý đầu năm.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, giá mặt hàng vật liệu đá xây dựng sẽ tiếp tục tăng nhẹ và duy trì ở mức cao. Việc tăng giá này được lý giải do nhu cầu sử dụng loại vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm ở các tỉnh phía Nam đang tăng cao.

Đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm

Trong những năm qua, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp 32 giấy phép khai thác đá xây dựng với trữ lượng hơn 384 triệu m3. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã khai thác khoảng 90 triệu m3, tương đương khoảng 23% trữ lượng được cấp phép.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại hầu hết các địa phương đều có quy hoạch mỏ khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm và công trình dân dụng. Trong đó có 2 cụm mỏ tập trung Phước Tân (TP Biên Hòa) và Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Cụm mỏ Phước Tân có quy mô lớn nhất với 10 mỏ, tổng diện tích quy hoạch gần 394 ha. Tính đến hết năm 2022, cụm này đã khai thác khoảng 41 triệu m3 trong tổng trữ lượng 137 triệu m3 đá (tương đương khoảng 30% trữ lượng).

Hiện trạng cụm mỏ đá Tân Cang (phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang được khai thác phục vụ công trình xây dựng.
Hiện trạng cụm mỏ đá Tân Cang (phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang được khai thác phục vụ công trình xây dựng.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Đồng Nai, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang đáp ứng nhu cầu xây dựng dân dụng, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam bộ, đồng thời góp phần bình ổn giá vật liệu xây dựng ở khu vực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công, chủ đầu tư phối hợp cùng cơ quan liên quan, nhà thầu khẩn trương chuẩn bị nguồn cung vật liệu xây dựng công trình này.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, để giải bài toán nguồn vật liệu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự án thành phần 3), ngành TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn rà soát lại các khu vực quy hoạch mỏ trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán sơ bộ của Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư), khối lượng vật liệu đá xây dựng phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 1,1 triệu m³.