Hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía những tiết mục hát chèo Đò đưa; Xẩm: Bắc Kỳ vui nhất Hà thành; Xẩm: Lửng lơ con cá vàng... giữa sân khấu nhà văn hóa của sinh viên khiến giới làm nghệ thuật ngỡ ngàng. Bởi khi nghệ thuật ngoại quốc đang dần “soán ngôi”; thay vì học múa dân gian, người ta chuyển sang nhảy hiện đại, thay vì tới sân khấu xem một vở diễn, người ta đến rạp để xem các bộ phim có những cảnh quay hoành tráng. Có lẽ vì những gánh chèo biểu diễn hình ảnh Thị Màu, Thị Kính, Tống Chân, Cúc Hoa cũng dần trở thành xa lạ với đời sống của người Việt.
Đã 2 năm, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát chèo Việt Nam đem khát vọng khôi phục lại gánh chèo. Chính vì vậy, họ nhiệt huyết với những chiếu chèo sân đình của Hà Nội. Để khán giả lại được lắng nghe, được giao lưu và được thưởng chèo theo đúng nghĩa. Trên hành trình khát vọng ấy, khóa học phi lợi nhuận “Một hành trình, ba khám phá” (chèo – xẩm – chầu văn) cũng được triển khai. Đây là cái “bắt tay” giữa Nhà hát chèo Việt Nam, Quỹ Văn hóa Hà Nội, khoa Văn học - Trường đại học KHXH&NV Hà Nội.
Được tổ chức vào mùa Hè năm 2016, khóa học “Một hành trình, ba khám phá” đã lôi cuốn không ít sinh viên đang học tập tại Hà Nội. Mặc dù chỉ kéo dài trong 15 buổi tập luyện, nhưng nghệ sĩ Thúy Ngần cùng nghệ sĩ Tuấn Kha đã truyền lửa đam mê sân khấu truyền thống trong lòng các sinh viên. Tối 21/9, trên sân khấu của gala “Tôi chèo về quê hương” những bạn trẻ ấy đã truyền cảm hứng mê chèo cho chính những người bạn của mình khi hóa thân thành Thị Kính, chàng Thiện Sĩ hay ông Mãng trong trích đoạn Vu Quy của vở chèo “Quan Âm Thị Kính”.
Trước những thành công của đêm gala, chia sẻ về những dự định tiếp theo, Th.s Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên bộ môn Văn học dân gian, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV cho biết: Để sự đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc được lan tỏa rộng rãi, sự kết nối và hỗ trợ các cơ quan quản lý là một điều hết sức cần thiết. Đối với các trường đại học, cần mở thêm các lớp học để là nơi gắn kết giữa nghệ sĩ và cộng đồng xung quanh.