Ban quản trị và cư dân phải làm gì?Sau nhiều ngày gửi đơn kiến nghị Ban quản trị các chung cư Hồ Gươm Plaza, 16B Nguyễn Thái Học, CT12 – Khu đô thị Văn Phú vẫn chưa nhận được câu trả lời hợp tác bàn giao phí bảo trì và hồ sơ nhà chung cư của các chủ đầu tư (CĐT) là Công ty May Hồ Gươm, Công ty TNHH Duyên Hải và Công ty CP xây dựng Hạ Đình. Thậm chí CĐT chung cư Hồ Gươm Plaza là Công ty may Hồ Gươm còn tự ý chấm dứt hợp đồng gửi xe của một số cư dân trong hầm gửi xe của toà nhà từ ngày 19/3.
|
Cư dân Hồ Gươm Plaza vẫn căng băng giôn đòi quyền lợi trước sự chây ỳ của CĐT. |
Trước đó, ngày 9/3 Công ty này đã ra thông báo nâng phí gửi xe ô tô và chấm dứt hợp đồng gửi xe đối với cư dân Nguyễn Hữu Cách tại tòa nhà C. Không đồng tình với thông báo này cư dân đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp, song không được CĐT hợp tác và ngày 11/3, cư dân ở đây đã căng băng giôn dưới tòa nhà đòi chủ đầu tư hợp tác thực hiện trách nhiệm với cư dân. Ngay sau đó chính quyền quận Hà Đông, phường Mộ Lao vào cuộc và CĐT tạm thời không cắt hợp đồng gửi xe với cư dân Nguyễn Hữu Cách, nhưng đến 19/3 thì CĐT lại cho người chặn xe của cư dân này không cho vào hầm gửi xe.
Bức xúc, cư dân Nguyễn Hữu Cách, tại tòa tháp C chia sẻ với phóng viên: Khi rao bán nhà để người dân vào mua thì CĐT đưa ra rất nhiều ưu đãi về tiện ích sử dụng tại đây. Nhưng bây giờ tiện ích tối thiểu nhất là được để xe trong tòa nhà của mình cũng không được. Trong khi đó, mình cũng mất phí gửi xe chứ có gửi không đâu. Hơn nữa, chúng tôi mua nhà là phải được làm sổ hồng, chứ bây giờ lại bảo 2-3 năm mới được cấp thì quá vô lý. Khi chúng tôi mua về đây hơn 120 hộ tại tòa tháp C không ai biết mình mua phải căn hộ xây dựng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đây là một sự lừa đảo của CĐT đối với người dân.
|
Căn hộ có cánh cửa gỗ xây sau hộp PCCC này sai so với thiết kế được duyệt đang gây bức xúc cho cư dân Hồ Gươm Plaza. |
Trao đổi với luật sư Trần Minh Tân – Trưởng Văn phòng Luật sư Đông A & Nhóm Tinh Hoa: Nếu BQT nhà chung cư đã đủ điều kiện hoạt động và đã có văn bản yêu cầu bàn giao hợp lệ mà CĐT vẫn cố tình không bàn giao, thì ban quản trị có thể vận dụng các trình tự hành chính và tư pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với việc chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì, căn cứ đoạn 2 Khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014, BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh/TP nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định tại Điều 37 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, tuỳ thuộc giai đoạn bàn giao kinh phí bảo trì, ban quản trị nhà chung cư cũng có thể lựa chọn phương án khởi kiện chủ đầu tư ra cấp toà án có thẩm quyền theo các thủ tục tố tụng dân sự, phá sản để thu hồi kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư chưa bàn giao hoặc bàn giao thiếu.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương?Phóng viên cũng đã trao đổi với đại diện quận Hà Đông về vấn đề này và nhận được câu trả lời: Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt công tác quản lý đô thị trên địa bàn quận đặc biệt là công tác quản lý trật tự xây dựng, UBND quận Hà Đông kiến nghị Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, những biện pháp: Có chế tài khấu trừ tài khoản của CĐT để thực hiện cưỡng chế đối với một số dự án có sai phạm mà CĐT không chấp hành việc tự giác phá dỡ bộ phận công trình vi phạm theo Quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền. Đối với các CĐT dự án cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng; đưa vào danh sách không xem xét chấp thuận đầu tư dự án hoặc công khai trên trang web các sai phạm của CĐT.
|
Những chiếc cửa PCCC của chung cư Hồ Gươm Plaza chưa được bàn giao nhưng đã mất công năng sử dụng, lúc nào cũng hé mở. |
Đối với công tác quản lý nhà chung cư, quận đề xuất, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng các giải pháp sau: Tổ chức cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì một số toà nhà chung cư trên địa bàn quận để làm gương cho các CĐT khác trên địa bàn. Tham mưu UBND thành phố ban hành cụ thể về thành phần hồ sơ bàn giao nhà chung cư và có chế tài xử lý cụ thể đối với trường hợp CĐT chậm bàn giao hồ sơ theo quy định. Theo quy định về Luật xây dựng và Luật nhà ở nhà chung cư phải được nghiệm thu đưa vào sử dụng toà nhà và nghiệm thu về hệ thống PCCC trước khi bàn giao nhà cho các hộ dân về ở. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu cấp thiết về nhà ở, CĐT đã bàn giao căn hộ cho các hộ dân về ở khi chưa đủ các điều kiện nêu trên gây bức xúc và không đủ đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Do vậy, đề nghị thành phố có chế tài xử lý đối với các đơn vị CĐT chậm nghiệm thu hệ thống PCCC, cưỡng chế tài khoản để hoàn thiện hệ thống PCCC và kiểm định chất lượng công trình chứ không phải lấy từ kinh phí đóng góp của các hộ dân.
|
Những chiếc hộp báo cháy của chung cư 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông chưa được bàn giao, nhưng nó đã bị hỏng không có tác báo cháy. Chưa bàn giao nhưng chung cư này đã đưa vào sử dụng 6 năm. |
Mọi giải pháp của Hà Đông cũng đang dừng lại ở việc đề xuất, kiến nghị lên cấp trên nên chưa đủ mạnh để giải quyết các vấn đề nhà chung cư đang mắc phải là: Chưa nghiệm thu, bàn giao hệ thống PCCC đã cho cư dân vào ở. Điều này, khiến cho cư dân phải chịu thiệt, và gây bất ổn trật tự đô thị, trật tự an ninh trong khu vực.
Được biết, suốt từ đầu tháng 3 đến nay cư dân Hồ Gươm Plaza vẫn căng băng giôn, biểu ngữ đòi quyền lợi. Phải chăng các cơ quan của TP nên vào cuộc sớm hơn để giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Đối với các CĐT cố tình không thực hiện bàn giao phí bảo trì và hồ sơ nhà chung cư thì ngoài việc cưỡng chế tài khoản, cũng cần nêu tên CĐT và nêu tên dự án đang vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy mới thể hiện được sự minh bạch giữa các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, và người dân cũng nắm bắt được những dự án nào chưa đảm bảo các điều kiện để sinh hoạt sẽ không mua nhầm. Công khai minh bạch những vi phạm của dự án, không bán được hàng buộc CĐT phải thực hiện đúng các trình tự bàn giao nhà chung cư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đây, Hà Nội đã công khai về các doanh nghiệp nợ thuế và thu được kết quả khả quan.