Khơi thông dòng vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp (DN), UBND TP Hà Nội đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội làm đầu mối triển khai chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn.

 Đây là lần đầu tiên, TP Hà Nội thực hiện chương trình kết nối lớn về vốn theo hình thức "bắt tay" ba nhà: NH - DN - chính quyền.

Lãi suất đã giảm

Theo báo cáo của NHNN, trong tháng 7/2014, mặt bằng lãi suất (LS) huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013, LS cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm 2013. LS của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Đến ngày 24/7, dư nợ cho vay bằng VND có LS trên 15%/năm chiếm 4,5% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có LS trên 13%/năm chiếm 12,9% tổng dư nợ cho vay bằng VND.
 
Khách hàng giao dịch tại một Chi nhánh Baovietbank Hà Nội. 	 Ảnh: Việt Linh
Khách hàng giao dịch tại một Chi nhánh Baovietbank Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Nhiều DN thừa nhận, thời gian qua, hệ thống NH đã nỗ lực hỗ trợ DN như giảm LS cho vay, gia hạn nợ, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ phá sản hiện nay, DN kiến nghị NH xem xét hạ thêm LS cho vay nhằm giúp DN giảm chi phí. "Chúng tôi đang được giải ngân LS 9 - 10%/năm. Tới đây, tôi mong NHNN và các cơ quan có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho NH vì NH cũng là một DN. Chi phí vốn đầu vào thấp thì NH mới có thể giảm lãi đầu ra"- đại diện một DN kiến nghị.

Khi “ba nhà” cùng bắt tay

LS của các NH liên tục điều chỉnh hạ, tuy nhiên, để hỗ trợ tốt hơn cho DN khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ngày 20/5/2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký Công văn số 105/KH-UBND về kế hoạch thực hiện chương trình kết nối NH - DN. Công văn yêu cầu, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội làm đầu mối phối hợp với các địa phương, quận, huyện, sở, ngành… chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với LS hợp lý cho từng khách hàng cụ thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. LS cho vay đối với khách hàng tham gia chương trình phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, nhưng không vượt mức 8%/năm đối với ngắn hạn; phổ biến ở mức 9 - 10,5%/năm, nhưng không vượt mức 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Thời gian qua, UBND TP và NHNN Chi nhánh Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp tiếp xúc và nắm bắt các khó khăn của DN trên địa bàn TP và các quận, huyện. Các cuộc Hội nghị lắng nghe và tháo gỡ khó khăn về vốn cũng được tổ chức đều đặn với sự tham gia cam kết hỗ trợ vốn LS thấp hoặc điều chỉnh LS với các món vay cũ cũng được các NH thương mại trên địa bàn tích cực tham gia.

Tính đến ngày 22/8, đã có 23 NH thương mại và chi nhánh NH thương mại đăng ký tham gia với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng, trong đó, điều chỉnh LS ký kết hơn 3.500 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng; Cấp tín dụng mới ký kết 8.796 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng.
Kinh nghiệm từ chương trình kết nối NH - DN đã và đang được triển khai cho thấy, bên cạnh sự tham gia của NH, DN thì vai trò của quận, huyện rất quan trọng. Lãnh đạo quận, huyện nắm rất rõ địa bàn, nên nếu quận, huyện bám sát, quan tâm thì có thể phát hiện kịp thời các khó khăn của DN.

Ông Nguyễn Đồng Tiến Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

 
Tuy nhiên, để chia sẻ với các DN, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội yêu cầu các NH tìm giải pháp để huy động vốn kỳ hạn dài, tăng cho vay dài hạn. Bên cạnh đó, NH cũng cần tìm thêm các nguồn vốn giá rẻ để giảm thêm LS cho vay. Vốn đã đến doanh nghiệp

Nằm trong chương trình kết nối NH - DN, Công ty CP Nồi hơi Việt Nam vừa được Viettinbank Chi nhánh Đông Anh điều chỉnh LS xuống 8,5%/năm cho món vay 40 tỷ đồng. Theo ông Mai Văn Đới - Giám đốc Công ty, việc giảm LS này đặc biệt có ý nghĩa với DN trong điều kiện khó khăn hiện nay. Năm 2007, Công ty đã đầu tư chuỗi dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng chưa sử dụng hết công suất do kinh tế suy thoái, nhu cầu thị trường giảm. "Cầu giảm, giá sản phẩm không tăng trong khi các chi phí như lương công nhân, vật tư trồi sụt…, nguồn vốn vay ưu đãi này giúp chúng tôi duy trì sản xuất, đồng thời sử dụng hết công suất máy móc đã đầu tư để không lãng phí" - ông Đới cho biết.

Đại diện nhiều DN cho biết, chính sự "đồng cam cộng khổ" của NH đã giúp DN vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Đang có quan hệ tín dụng với nhiều NH như BIDV, Agribank…., bà Hoàng Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Oanh cho biết, 3 năm qua, rất nhiều DN phải "bơi" trong khó khăn. Vốn NH là một trong những tấm "phao cứu sinh" giúp DN duy trì sản xuất giữa lúc khó khăn này. Bà Oanh cho rằng, quan hệ NH - DN dựa trên lòng tin với nhau qua thời gian. "NH không quay lưng với DN lúc DN khó khăn nhất thì không có lý do gì để DN thiếu "chung thủy" với NH" - bà Oanh nhấn mạnh.

 
NHNN mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin, đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần