Khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp Quảng Nam
Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp tại Quảng Nam trong vấn đề cấp tín dụng, quy mô gói vay và lãi suất cho vay.
Điểm nghẽn tín dụng
Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong nhóm lĩnh vực bất động sản (BĐS), công nông nghiệp, xây dựng và FDI đã có những kiến nghị liên quan đến các khó khăn, vướng mắc về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh khu vực 9.
Theo đó, doanh nghiệp gặp phải 4 trở ngại khi tiếp cận vốn tín dụng gồm: hồ sơ tài chính, tài sản đảm bảo, cơ cấu lại khoản vay và vấn đề lịch sử nợ. Cụ thể, báo cáo tài chính của doanh nghiệp đòi hỏi phải có lợi nhuận nhưng tình hình kinh tế rất khó khăn khiến phần lớn doanh nghiệp phát sinh lỗ, dẫn đến hạn chế hoặc không thể tiếp cận nguồn vốn; ngân hàng chú trọng đến tài sản hữu hình hiện có mà chưa mạnh dạn cho vay đối với tài sản hình thành trong tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay, quyền tài sản… đặc biệt hình thức cho vay tín chấp.

Nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam bị đình trệ vì không tiếp cận được nguồn vốn.
Liên quan đến rào cản cơ cấu lại khoản vay, dù các tổ chức tín dụng đẩy mạnh lại các gói vay mua nợ nhưng lại chỉ áp dụng nguyên thời hạn cho vay theo phương án cũ, chưa có cơ chế thay đổi hoặc cơ cấu lại khoản vay theo tình hình kinh tế trong giai đoạn mới. Điều này dẫn đến doanh nghiệp không thể cơ cấu lại khoản vay.
Tình hình kinh tế khó khăn còn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu và các khoản nợ khác. Mặc dù đã được doanh nghiệp khắc phục, chuyển về nhóm nợ đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn còn lịch sử phát sinh nợ được lưu trên hệ thống thông tin. Các tổ chức tín dụng còn hạn chế hoặc không cho vay đối với doanh nghiệp này.
Cũng theo các doanh nghiệp BĐS, cần có cơ chế đặc thù đối với nhóm doanh nghiệp tại Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi công tác thanh tra kéo dài, đại dịch Covid-19, thủ tục hành chính chậm… Mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp sớm có dòng tiền để đảm bảo hoạt động kinh doanh, hoàn tất các công đoạn còn lại của dự án để bàn giao cho khách hàng.
Áp dụng cơ chế 3 bên
Trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh khu vực 9 vào sáng 22/5, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng cần có chính sách phù hợp để điều chỉnh lãi suất vay. Trong đó cần nghiên cứu điều chỉnh lãi suất vay dài hạn khoảng 10%/năm trở lại, tạo điều kiện các doanh nghiệp BĐS tiếp cận vốn vay hợp lý, đặc biệt giai đoạn lạm phát và các yếu tố kinh tế không ổn định.

Ông Trần Quốc Bảo, đại diện các doanh nghiệp tại Quảng Nam chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc.
Đối với các dự án nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần triển khai chương trình tín dụng ưu đãi khoảng 4%/năm. Điều này không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính cho người mua vì giá bán ra sẽ giảm đáng kể.
Chưa kể, một số ngân hàng vẫn còn xuất hiện tình trạng cho vay nhưng khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm. Vì vậy các ngân hàng cần hạn chế điều này nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp giao dịch thuận lợi, giảm thiểu chi phí phát sinh.
“Kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp BĐS, nhà ở xã hội khi vay vốn mà không cần thế chấp bằng tài sản hữu hình, thay vào đó thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy doanh nghiệp sẽ giải quyết kịp thời được nguồn vốn. Đối với doanh nghiệp xây lắp, ngân hàng cần có cơ chế chấp nhận phần bảo lãnh tạm ứng hợp đồng có tỷ lệ tài sản đảm bảo dưới 30% tỷ lệ tạm ứng” - ông Bảo chia sẻ.
Trước những kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh khu vực 9 khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 3 nhóm vấn đề trọng tâm gồm điều kiện cấp tín dụng, quy mô gói vay và lãi suất cho vay.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh khu vực 9 cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tại Quảng Nam.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng các điểm nghẽn về tín dụng còn phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Chính quyền cũng cần giải quyết những cơ chế, chính sách làm sao cho thông thoáng, ngắn gọn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Một khi khơi thông được nguồn lực tín dụng thì mục tiêu tăng trưởng hai con số mới thành hiện thực. Đối với doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội cần tham gia kiến nghị, lên tiếng đóng góp mạnh mẽ ngay từ đầu đối với những nghị quyết liên quan đến gói vay, lãi suất cho vay.
Ông Lê Anh Xuân đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam thống kê danh sách các doanh nghiệp đang khó khăn và cần hỗ trợ tín dụng. Danh sách phải rõ ràng, cụ thể liên quan đến thông tin doanh nghiệp, nhu cầu tín dụng, quy mô dự án, hiện trạng pháp lý, tình hình tài chính… Từ những thông tin trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế kết nối 3 bên giữa doanh nghiệp - ngân hàng - chính quyền.

Sau nhiều năm, Quảng Nam sắp có gần 600 căn nhà ở cho công nhân
Kinhtedothi - Giai đoạn 1, dự án Khu nhà ở công nhân tại xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên diện tích đất gần 1.3ha với gần 600 căn hộ.

Quảng Nam nỗ lực về đích xóa nhà tạm, nhà dột nát trước tháng 9
Kinhtedothi - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, lên phương án và tổng lực triển khai hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 6 và tháng 7.

Cầu Phong Thử xuống cấp, Quảng Nam khẩn trương sửa chữa
Kinhtedothi - Những năm qua, những ai có dịp đi trên cầu Phong Thử thuộc tuyến ĐT609, địa phận xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đều rất lo lắng khi cây cầu này đã xuống cấp trầm trọng.