Không chỉ chờ sửa Luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp, rồi tình trạng “bong bóng bất động sản”...

Đó là một trong những vấn đề tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh khi cho ý kiến về kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Và trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai cũng là vấn đề được nhiều cử tri đề cập đến.

Khu đô thị xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Doãn Thành
Khu đô thị xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Doãn Thành

Đất đai là vấn đề "số một" được Hội nghị T.Ư lần thứ 5, BCH T.Ư Đảng khóa XIII vừa diễn ra thảo luận. Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, đây là việc hết sức cơ bản, quan trọng nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết mặc dù vừa qua đã có nhiều chính sách để phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XI về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”, các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai đã được quyết định.

Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan theo tinh thần mới, cho phù hợp thực tiễn, có tình ổn định, lâu dài, để khắc phục tồn tại kéo dài lâu nay và phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh từ đất được đặc biệt quan tâm.

Như nhiều cử tri đã bày tỏ mong muốn, việc sửa luật để quản lý tốt hơn nữa, sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, việc sửa thế nào để thực sự đạt yêu cầu không đơn giản, cần thời gian để nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện. Bởi thế, như ý kiến đã được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, từ nay cho đến khi Luật Đất đai được sửa đổi cần phải có giải pháp để khắc phục những vấn đề bất cập thời gian qua liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, chứ không chờ cho đến khi ban hành Luật sửa đổi.

Đây có thể nói là yêu cầu rất cấp thiết. Từ thực tiễn, nhiều lo lắng đã được đề cập trước hiện tượng những sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường. Rồi việc sử dụng đất đai còn có lãng phí, nhiều nơi đất đai để lâu không đưa vào sử dụng. Khiếu nại tố cáo về đất còn nhiều và diễn biến phức tạp, chiếm gần 70% trong tổng số các khiếu nại. C

ùng với đó là những lo ngại khi thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ dẫn đến khuyến khích người dân, DN dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức cá nhân tăng cường đầu tư vào thị trường bất động sản cho thấy cầu tiêu dùng yếu, góp phần tạo thêm bong bóng giá bất động sản.

Những giải pháp để xử lý những vấn đề bất cập trong vấn đề này rất cần được quan tâm. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan, không chỉ dựa trên tiêu chí đánh giá đã làm đúng các quy định pháp luật mà còn phải dựa trên hiệu quả thực tiễn, cũng như tránh xảy ra bất ổn về đất đai.

Việc đánh giá rõ nét trách nhiệm này, cũng là để cơ quan quản lý luôn luôn phải tìm hiểu xem có những bất cập trong quản lý, bất thường trên thị trường đất đai để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời trong khi chờ sửa đổi luật.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần