Không chủ quan với bệnh thủy đậu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển, lây lan. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.

Gia tăng bệnh nhân mắc thủy đậu

Thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô ghi nhận gia tăng bệnh nhân mắc thủy đậu. Ghi nhận tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn trong hai tuần qua, khoa đã tiếp nhận 9 ca mắc bệnh thủy đậu đều là người lớn. Đáng chú ý, trong đó có 8 bệnh nhân cùng sống chung tại một địa chỉ.

Theo Bệnh viện Thanh Nhàn, trước đó một tuần, bệnh viện đã tiếp nhận 4 bệnh nhân ca mắc thủy đậu, sau khi được điều trị, các bệnh nhân đã được xuất viện. Ngay sau đó, 4 bệnh nhân khác nhập viện với biểu hiện lâm sàng tương tự.

Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Qua khai thác ban đầu, các bệnh nhân này cùng sinh sống tại một địa chỉ. Nơi ở tập thể của các bệnh nhân này có khoảng 30 người đang sinh hoạt. Các phòng ở có giường tầng. Tuy mỗi người một giường nhưng ăn uống, sinh hoạt chung.

Đang nằm điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân T.A.G. (27 tuổi, Hà Giang) cho biết, các triệu chứng bắt đầu khởi phát trước đó hai tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa. Cùng thời điểm này có thêm một số người cùng phòng cũng với triệu chứng tương tự nên đến bệnh viện thăm khám.

Sau khi 4 người trước khỏi bệnh và được xuất viện, anh G. cùng một số người khác cũng có triệu chứng tương tự nên được đưa đến bệnh viện điều trị. Ban đầu, các bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, ngứa, đau mỏi cổ, khó ngủ, sau đó mẩn ngứa ở các mụn nước.

Qua khai thác, trong số các bệnh nhân trên, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số người mới mắc bệnh lần đầu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Khoa bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân tái mắc thủy đậu không phải là đặc biệt. Hiện, chưa có thông tin cụ thể về bệnh thủy đậu lần này. Tuy nhiên, sau đợt Covid-19, các bệnh nhân mắc bệnh có diễn biến phức tạp hơn, số người mắc bệnh thủy đậu cũng tăng cao hơn trước.

Qua khai thác, hiện tại, một số bệnh nhân khác (những người sinh sống cùng) với những bệnh nhân này cũng đang có triệu chứng tương tự.

Theo các bác sĩ, hàng năm, bệnh thủy đậu thường diễn ra vào mùa Đông Xuân (tức là khoảng tháng 11), tuy nhiên, hiện tại đang là đầu năm nhưng đã xuất hiện bệnh thủy đậu, chủ yếu ở người lớn. Bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn, đó là điều khác thường.

Qua khai thác, trong số các bệnh nhân trên, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.
Qua khai thác, trong số các bệnh nhân trên, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thời gian gần đây, bệnh nhân mắc thủy đậu đang gia tăng. Thống kê tại bệnh viện cho thấy, trước đây vài tháng các bác sĩ chỉ tiếp nhận 1 ca bệnh thủy đậu nhưng cách đây 1 tuần, số ca bệnh thủy đậu phải nhập viện điều trị nội trú đã tăng lên 10 ca.

Hay như tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu.

Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mưng mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.

TS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm cho biết, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như: điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.

Đối với bệnh thủy đậu, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.

“Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước. Bệnh nhân có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo” - TS Nguyễn Đăng Mạnh khuyến cáo.

Nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện, điều trị kịp thời

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thủy đậu nằm trong số các bệnh truyền nhiễm nên có khả năng lây lan từ người này qua người khác. Vì thế, cần phải biết thủy đậu lây qua đường nào để có biện pháp phòng tránh phù hợp. Bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, cần phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp để không bị lây lan.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus varicella gây ra. Bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu Xuân, đầu Hè khi thời tiết giao mùa độ ẩm không khí cao như hiện nay.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều nhẹ tuy nhiên vẫn có thể xảy ra biến chứng nặng và tử vong. Đặc biệt, hiện nay người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên khi bệnh "vào mùa" nhiều người chủ quan, dẫn đến biến chứng khó kiểm soát nếu hệ miễn dịch suy yếu.

Giáo viên trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội tổng vệ sinh trường lớp, lau dọn bàn ghề, đồ chơi, đồ dùng học tập phòng chống bệnh thủy đậu.
Giáo viên trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội tổng vệ sinh trường lớp, lau dọn bàn ghề, đồ chơi, đồ dùng học tập phòng chống bệnh thủy đậu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, giảm 37,5% so với tuần trước (112/0). Tính  từ đầu năm 2023 đến nay, TP ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu. Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (237), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42); số mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0).

Đáng chú ý, trong tuần, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã ghi nhận 23 ca mắc, đưa tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên 237 ca. Trên địa bàn xuất hiện một ổ dịch mới tại trường Tiểu học Phú Nghĩa với 6 ca mắc. Như vậy, đến nay huyện đã ghi nhận 5 ổ dịch bệnh thủy đậu tại các trường học.

Ngay khi các ổ dịch mới phát sinh, Trung tâm y tế huyện phối hợp với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Trạm y tế các xã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tổng vệ sinh trường lớp, lau dọn bàn ghề, đồ chơi, đồ dùng học tập tuyên truyền. Hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và tiếp tục giám sát các ổ dịch để triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để ổ dịch lây lan ra trong trường học và cộng đồng.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao. Bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Các chuyên gia khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan. Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine thủy đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thuỷ đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

 

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.

Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần