Không có chuyện tiêu cực trong chấm thi THPT

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc, các địa phương đã bắt tay vào việc chấm thi. Theo đúng kế hoạch, ngày 11/7, các địa phương sẽ công bố kết quả chấm thi. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, không có chuyện tiêu cực hay ưu ái thí sinh (TS) địa phương trong chấm thi như dư luận băn khoăn.

 Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Chiến Công
Tuân thủ nghiêm quy chế
Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, thời điểm này, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 nhằm đảm bảo đúng tiến độ. Việc chấm thi tuân thủ qui trình rất khắt khe. Các bài tự luận được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Với bài thi trắc nghiệm, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đều được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Quá trình chấm thi đều có bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi.
“Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được sửa chữa, thêm bớt. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã quét và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại sở GD&ĐT” - ông Nghĩa nói.

Trước băn khoăn của dư luận về việc chấm thi tại các địa phương có thể xảy ra tình trạng ưu ái con em địa phương, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, các bài thi năm nay phần lớn là bài trắc nghiệm, được chấm bằng máy, do đó rất khách quan.
“Thực tế kết quả phúc khảo bài thi của TS trong những năm vừa rồi cho thấy, hầu như không có việc thay đổi kết quả đối với bài thi trắc nghiệm” - ông Trinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Trinh, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đã cảnh báo: Sau khi công bố điểm thi, nếu có các kết quả bất thường thì sẽ tiến hành chấm thẩm định để xác định chất lượng chấm thi của các hội đồng thi. Trong trường hợp cần thiết sẽ xử lý các vi phạm nếu có.

Đề Toán hoàn toàn chính xác

Một vấn đề khác cũng được quan tâm đặc biệt là đề thi năm nay "khiến nhiều TS bật khóc". Nhiều giáo viên cũng nhận định, đề thi vừa khó vừa dài, nhất là môn Toán, thậm chí có giáo sư Toán học nổi tiếng cho rằng, ông không thể làm hết được những câu hỏi theo thời gian qui định.

Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, tất cả các đề thi đều nằm trong nội dung chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 (85%), còn lại là kiến thức lớp 11. Về phân loại độ khó, đảm bảo có 4 mức độ, với 60% cơ bản, 40% nâng cao. Phần nâng cao cũng nằm trong chương trình, không đánh đố TS. Ông Hồng thừa nhận, tuy đề nằm trong chương trình, đã cân nhắc để vừa sức TS, nhưng theo định hướng chung, các đề thi có tăng tỷ lệ câu hỏi mang tính vận dụng, vận dụng cao.

Riêng câu hỏi 16 - mã đề 109 bài thi môn Toán THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến cho rằng chưa chặt chẽ, không có đáp án chính xác. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ, đồng thời tham khảo rộng rãi ý kiến các chuyên gia Toán học về nội dung này. Kết quả rà soát khẳng định: Câu 16 mã đề 109 là câu hỏi quen thuộc với TS, tương tự câu hỏi, bài tập ở sách giáo khoa Giải tích lớp 12, trang 78 và có đáp án hoàn toàn chính xác.

Tới đây, dựa trên dữ liệu điểm thi của TS, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phân tích phổ điểm của các môn thi, bài thi để đánh giá về đề thi của kỳ thi, trong đó có đề thi môn Toán.

Trả lời băn khoăn về kỳ thi “2 trong 1” kéo dài đến bao giờ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, "kỳ thi đã được tổ chức 4 năm, T.Ư đang chỉ đạo sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 29, trong đó sẽ có nội dung sơ kết về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.

Sau khi có sơ kết 5 năm, đến khi có chương trình sách giáo khoa mới thì sẽ có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm có phương án phù hợp cho giai đoạn tiếp theo”. Dù chưa đưa ra đáp án cho một phương án thi, xét tuyển phù hợp trong thời gian tới, nhưng ông Trinh vẫn cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm qua là phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần