Phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu
Ngày 23/10, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố Thông minh (Smart City Summit) 2019 đã diễn ra với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Được tổ chức thường niên từ 2017, Smart City Summit nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các TP trong nước và khu vực.
Tại Smart City Summit 2019, những giải pháp cho việc xây dựng những thành phố thông minh được tập trung thảo luận quanh các trụ cột chính: Quy hoạch đô thị thông minh - Xây dựng và quản lý đô thị thông minh - Các Dịch vụ, tiện ích thông minh và Hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết, phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành đề án phát triển đô thị thông minh bền vững. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) và đặt ra chỉ tiêu phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đến năm 2030. Đến nay, nhiều địa phương đã phê duyệt và bắt đầu triển khai các đề án, dự án phát triển đô thị thông minh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA (sáng kiến ra Smart City Summit) cho rằng: “Thế giới đang đi vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi vào kỷ nguyên số thì thành phố thông minh có thể nói là phương thức cơ bản để phát triển kinh tế, để thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường, phồn vinh. Bởi vì 80% nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế các TP, cho nên bây giờ thế giới bắt đầu nói chuyện kinh tế TP thay vì nói chuyện kinh tế quốc gia”.
Để phát triển một TP vào kỷ nguyên này, chỉ có một cách là thành phố thông minh. “Cho nên, thành phố thông minh là phương thức để chúng ta phát triển nhanh nhất, bền vững nhất đem lại sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp” - ông Bình nói.
Theo Chủ tịch VINASA, điều quan trọng đầu tiên của thành phố thông minh là phải có hạ tầng thông minh, hay nói cách khác là hạ tầng dữ liệu. Bất kể các lĩnh vực đều phải có thông tin, dữ liệu liệu đầy đủ, cập nhật, thời sự. Cần đưa nhu cầu về hạ tầng dữ liệu vào quy chế, tiêu chuẩn phát triển. “Nếu chúng ta làm được như vậy thì đất nước chúng ta, các TP của chúng ta mới có cơ hội phát triển tốt” - ông Bình bày tỏ.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, nội hàm quan trọng nhất của Cách mạng 4.0 là sử dụng hiệu quả dữ liệu. Hiện nay, công nghệ về dữ liệu đang phát triển vượt bậc, vượt trội chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cho nên, nếu có dữ liệu thì sẽ mang đến sự vận hành hiệu quả nhất của chính quyền, sự hài lòng của người dân, sự thuận lợi của doanh nghiệp một cách bền vững. “Không đầu tư nào thông minh và hiệu quả như đầu tư thành phố thông minh” - ông Bình nhấn mạnh.
Đà Nẵng tiên phong trong xây dựng thành phố thông minh
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Đà Nẵng là TP phê duyệt đề án thành phố thông minh sớm nhất cả nước và kết quả triển khai cho đến nay rất đáng khích lệ. Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO 2019 diễn ra hồi tháng 8 tại Thái Lan, Đà Nẵng được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng “TP thông minh”.
Đà Nẵng hiện đang tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính: Công nghệ cao, du lịch và dịch vụ chất lượng cao và Kinh tế biển. Định hướng đến 2045 Đà Nẵng là một đô thị lớn, thành phố thông minh và sinh thái, là TP biển đáng sống đẳng cấp trong khu vực châu Á. Đà Nẵng hiện đã ban hành khung kiến trúc và Đề án thành phố thông minh, mục tiêu đến 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối và đồng bộ với mạng lưới thành phố thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: Từ năm 2014, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Cùng với đó là nỗ lực 11 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index) do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam xếp hạng; mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng nhận giải thưởng WeGo năm 2014. Việc triển khai thành công mô hình chính quyền điện tử đã tạo niềm tin, là nền tảng để triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Bên cạnh đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở... đem lại tác động tích cực trong quản lý, điều hành đô thị.
“Đà Nẵng đã có 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng để triển khai xây dựng thành phố thông minh. Riêng năm 2019 và năm 2020, Đà Nẵng đã bố trí 345 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện, kết hợp với khoảng 600 tỷ đồng từ hợp tác với các doanh nghiệp”- Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chia sẻ.
Theo dự báo của PwC - một trong 4 công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới, đến năm 2030, trên toàn cầu, 43 TP sẽ có từ 10 triệu dân trở lên. Và như vậy, hơn cả một xu thế công nghệ, việc xây dựng thành phố thông minh chính là một giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó, nâng cao sức cạnh tranh cho từng đô thị, từng quốc gia.Riêng tại Việt Nam, theo phân tích số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020). Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ đã chính thức khuyến khích tất cả 63 TP và tỉnh thành xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, trên 30 tỉnh/thành đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện thành phố thông minh. |