Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để bánh Trung thu lậu “làm loạn” thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ ít ngày nữa là đến Tết Trung thu 2022, các quầy bán bánh Trung thu cũng bắt đầu xuất hiện trên đường phố Hà Nội với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng đang rất băn khoăn bởi không biết loại bánh nào đảm bảo chất lượng để chọn mua.

Người tiêu dùng mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Hùng Quang 
Người tiêu dùng mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Hùng Quang 

Giá bán tăng nhẹ

Tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thị trường bánh Trung thu năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người mua có thêm nhiều sự lựa chọn. Hiện mặt hàng được nhiều người ưa chuộng vẫn là các loại bánh đến từ những thương hiệu lớn như: Công ty Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica…

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện, Kinh Đô tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Một số mặt hàng bánh Trung thu Kinh Đô truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá niêm yết từ 55.000 - 62.000 đồng/bánh. Đối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 600.000 đồng. Cao cấp nhất là bánh Trung thu “Trăng vàng kim cương trường khang”, với 6 bánh loại 180 gam tặng kèm theo hộp trà Ô Long 50 gam, giá 3,5 triệu đồng/hộp.

Trong khi đó, năm nay, Bibica đưa ra thị trường hơn 60 loại bánh với 3 dòng chính là bánh Trung thu cao cấp, bánh Trung thu dinh dưỡng và bánh Trung thu truyền thống. Giá bán dao động từ 41.000 - 140.000 đồng/bánh cho dòng phổ thông, dòng cao cấp có giá từ 270.000 - 2.600.000 đồng/hộp.

Thông tin từ những đại lý kinh doanh mặt hàng này cho thấy, các thương hiệu bánh đều đồng loạt tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc so với năm ngoái. Lý giải nguyên nhân khiến giá bán mặt hàng bánh Trung thu năm nay tăng, đại diện Kinh Đô thông tin, do giá nguyên liệu đầu vào và các dịch vụ đi kèm tăng 10 - 20% so với năm ngoái, nên năm nay việc các hãng sản xuất bánh Trung thu đồng loạt tăng giá là điều khó tránh khỏi.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù (huyện Hoài Đức)
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù (huyện Hoài Đức)

Mạnh tay với bánh nhập lậu

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng TP Hà Nội liên tục phát hiện những sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đơn cử, ngày 18/8 tại trước cửa nhà số 7 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện một đối tượng đang tập kết hàng hóa, qua kiểm tra phát hiện 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại, trên bao bì đều in chữ Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện đối tượng buôn bán bánh Trung thu nhập lậu. Trước đó, ngày 15/8, lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù (huyện Hoài Đức), phát hiện 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài.

Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh Trung thu, đồng thời khai nhận toàn bộ số bánh này là hàng trôi nổi trên thị trường. Vào đầu tháng 7/2022, cũng tại xã La Phù, lực lượng QLTT Hà Nội cũng phát hiện hơn 5.000 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, mùa Trung thu đang đến gần nên sức tiêu thụ mặt hàng này hiện tăng mạnh. Vì vậy một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội bằng nhiều hình thức, thủ đoạn đã nhập lậu lượng lớn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

“Hiện nay, có tình trạng một số cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đa phần, sản phẩm được rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online. Nhiều sản phẩm chứa những chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, không đảm bảo chất lượng” - ông Trần Việt Hùng chia sẻ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu bánh Trung thu, Tổng cục QLTT đã có Văn bản số 1385/TCQLTT-CNV gửi cục QLTT các tỉnh, TP về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2022. Theo đó, yêu cầu Cục QLTT các địa phương chủ động kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng bánh kẹo phục vụ nhu cầu Tết Trung thu năm 2022, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ sở kinh doanh chân chính, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu ùng.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng này trên website TMĐT, sử dụng TMĐT, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nhưng chưa thông báo với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Mặc dù lực lượng chức năng đang tích cực vào cuộc ngăn chặn bánh Trung thu nhập lậu, nhưng Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng khuyến cáo người tiêu dùng, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...); chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, hoặc chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể...