Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Thủ đô năm nay giảm 98% so với năm 2017, song Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định: Do đây là bệnh lưu hành thường xuyên, các yếu tố phát sinh dịch vẫn tồn tại, nhất là tại các vùng bị ngập lụt nhiều ngày, nên dịch có thể phát sinh vào khoảng thời gian cuối năm nếu không chủ động phòng dịch từ bây giờ.

Phun hóa chất diệt côn trùng tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Đức Vân
Nhiều yếu tố nguy cơ
Theo ông Hạnh, từ đầu năm đến nay, TP có 384 trường hợp mắc SXH, phân bố rải rác tại 144 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong. Số mắc giảm 98% so với cùng kỳ năm 2017 (ghi nhận 17.619 trường hợp).
“Tuy nhiên, SXH là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc (riêng năm 2017 ghi nhận trên 37.000 trường hợp), đồng thời hiện nay các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ..., theo nhận định dịch bệnh này có thể gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9 - 11/2018” – ông Hạnh nhấn mạnh.

Hà Nội đang vào mùa mưa - khoảng thời gian “vàng” để muỗi vằn gây SXH đẻ trứng, nở thành loăng quăng và phát triển thành muỗi. Chính trong giai đoạn này, mật độ của muỗi tăng nhanh chóng. Ngoài ra, sau đợt ngập lụt kéo dài tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai vừa qua đã gây ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH sinh sản mạnh. Mặt khác, thời điểm này học sinh đang chuẩn bị bước vào năm học mới, việc tập trung đông người cũng là yếu tố nguy cơ để dịch dễ bùng phát.

Chủ động phòng bệnh

Phun hóa chất diệt côn trùng là một trong những biện pháp phòng bệnh ban đầu, nhất là tại các vùng ngập úng lâu ngày. Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, nhiều ngày qua, lực lượng chức năng tiến hành dọn vệ sinh môi trường, Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng phối hợp với các TTYT huyện bị ngập như Chương Mỹ, Quốc Oai... đã phun hóa chất phòng chống dịch bệnh để khống chế dịch bệnh, đặc biệt không để đàn muỗi sinh trưởng gây bệnh SXH cho Nhân dân.
Tại các vùng rộng, TTYT Dự phòng Hà Nội hỗ trợ các TTYT huyện bị ngập úng máy phun mù nóng và phun hóa chất các khu đất trống, trường học, đình chùa, miếu, đền, chợ, công trường... Với công suất lớn, thuốc có thể bay vào các khe, kẽ để diệt được muỗi và các côn trùng gây bệnh trên người ở môi trường rộng.

Riêng tại huyện Chương Mỹ, TTYT Dự phòng đã hỗ trợ TTYT huyện 4 máy phun mù nóng, 8 máy đeo vai cùng hóa chất và nhân lực phun hóa chất diệt côn trùng tại các hộ gia đình, trường học, khu đất trống, đình chùa... Trên địa bàn xã Nam Phương Tiến có 4 trường học, xã Tân Tiến có 3 trường học đều được phun mù nóng trong các phòng học, xung quanh trường để diệt côn trùng, chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh trước khai giảng.

Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, sau ngập lụt, các ổ nước đọng chính là nơi muỗi sinh sản, phát triển, truyền bệnh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh SXH nói riêng, ngoài phun hóa chất diệt muỗi, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần phối hợp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không để muỗi sinh trưởng gây dịch bệnh. Người dân cũng cần thực hiện một số biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể.