70 năm giải phóng Thủ đô

Không để pháo lậu hoành hành

Nhật Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp Tết, cũng là thời điểm trên các trang mạng xã hội, tình trạng rao bán pháo lậu vẫn "nhộn nhịp" kẻ bán người mua với nhiều hình thức quảng cáo, thông qua các bài viết được đăng tải thông tin kèm hình ảnh, hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Chỉ cần gõ cụm từ “pháo nổ” trên một số trang mạng xã hội sẽ cho ra một loạt các page, các hội nhóm: “Pháo Tết 2022 không cọc”, “Pháo hoa Tết 2022 không cọc”, “Pháo hoa Tết 2022 uy tín không cọc”, “Pháo hoa Tết 2022 uy tín không cần cọc”... “Anh em đặt hàng liên hệ zalo: 07636374xxx. Giàn 49-100, dây 5m, pháo trứng, bi nhỏ, bi to, pháo hú, pháo diêm Ship Cod toàn quốc anh em đăng ký kênh để được miễn phí ship nhé” - trong các hội nhóm này, các đối tượng công khai rao bán pháo nổ, kèm theo hình ảnh chi tiết các loại pháo để thu hút người mua.

Phía dưới lời chào mời, khá nhiều bình luận hỏi thông tin, tìm hiểu để mua hàng. Về giá cả, “tay buôn” bao giờ cũng chú thích “inbox” kèm số điện thoại để lại. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng khi đăng thông tin bán pháo đều không cung cấp địa chỉ cụ thể mà chỉ nhận giao dịch qua ứng dụng Zalo. Khi khách hàng có nhu cầu liên hệ sẽ được hướng dẫn cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nơi nhận, số điện thoại và hàng sẽ được vận chuyển qua phương tiện giao hàng hoặc xe khách.

Theo Công an TP Hà Nội, từ ngày đầu tiên mở cao điểm tấn công tội phạm (ngày 15/12/2021) đến 10/1/2022, các đơn vị Công an đã khám phá hàng chục vụ việc, bắt giữ tám đối tượng, thu giữ hơn 68kg pháo nổ các loại. Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, để bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán, Công an TP chỉ đạo công an các địa phương tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không tàng trữ, kinh doanh và đốt pháo nổ. Công an TP yêu cầu công an 30 quận, huyện, thị xã cùng ký cam kết, địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ thì người đứng đầu đơn vị, địa bàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông cho hay, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn An, SN 2005, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, về hành vi mua bán pháo nổ. Căn cứ vào các tài liệu điều tra, đã làm rõ An thường xuyên ra tỉnh ngoài để mua pháo về bán kiếm lời. Cùng thời điểm, Công an quận Hoàn Kiếm cũng bắt Đinh Thế Lực, SN 1992, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, khi Lực mua 49 ống pháo nổ, khối lượng gần 7kg.

Về mức hình phạt liên quan đến mua, bán, vận chuyển và sử dụng pháo nổ, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại các Điều 190 - tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; Điều 191 - tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” mục 1, Chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháo nổ là mặt hàng cấm. Do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng.

Trong khi đó, nếu cấu thành tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” cũng quy định cụ thể yếu tố định lượng cùng những quy định về mức xử phạt tương đương - Điều 191, mức phạt có thể từ 5 - 10 năm tù. Điều 191 còn quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4609/UBND-NC về phối hợp với lực lượng công an thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với công an trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thuốc pháo các loại không để xảy ra đốt pháo nổ công khai trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.