Sau thời điểm trên, nếu trên thị trường vẫn xuất hiện SIM của nhà mạng nào được kích hoạt sẵn còn lưu thông thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, có thể sẽ áp dụng mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới từ 1 - 12 tháng và tiến hành kỷ luật người đứng đầu.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù việc bán SIM qua các đại lý đã được siết chặt nhưng để sở hữu một SIM không chính chủ với người dùng vẫn tương đối dễ dàng. Với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể sở hữu một chiếc SIM như vậy trên các website bán SIM hoặc các trang web thương mại điện tử như Shopee hay Lazada với giá từ 100.000 - 300.000 đồng. Đáng chú ý những SIM này đã được kích hoạt sẵn và tất nhiên với thông tin của người dùng khác.
Với tình trạng mua bán tràn lan thông tin cá nhân trên mạng, việc đăng ký SIM dưới thông tin của người khác là hoàn toàn không khó, đặc biệt là tiến hành trực tuyến, được các nhà mạng cung cấp. Chính điều này đã khiến trên thị trường một số lượng lớn dạng SIM chính chủ để bổ sung vào nguồn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cần lưu ý, hiện tại một cá nhân có thể sở hữu lên tới 15 SIM của các nhà mạng khác nhau.
Ở khía cạnh khác, nếu việc nhắn tin, gọi điện qua đầu số di động khó khăn thì nhiều DN đã quay ra làm phiền người dùng bằng việc thực hiện thông qua điện thoại cố định. Trên thực tế nhiều DN du lịch, tài chính, bất động sản… lại ưa thích sử dụng kênh này hơn do hiệu suất và chi phí tốt hơn nhiều so với quảng cáo qua di động. Theo các nhà mạng, trung bình mỗi tháng có khoảng 500.000 cuộc gọi rác từ các đầu số di động bị tiến hành ngăn chặn thông qua các hệ thống lọc.
Cũng trong thời gian gần đây, tình trạng người dùng nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thành lập những sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế. Sau đó, giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram.
Khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ điểm danh nhận tiền, giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu giao dịch thành công, tội phạm sẽ thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết của tài khoản đã sử dụng liên lạc. Mặc dù đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại không mới nhưng gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hoặc triệt phá. Bởi xuất phát điểm của những cuộc gọi mời tham gia hầu hết đều bắt nguồn từ các SIM di động đã được kích hoạt sẵn đang trôi nổi trên thị trường.
Như vậy có thể thấy, việc ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn còn trường kỳ và chưa hứa hẹn ngày kết thúc. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ TT&TT cùng các nhà mạng khi không ngừng có những biện pháp mạnh từ chế tài pháp luật đến biện pháp kỹ thuật nhằm “chiến đấu” với vấn nạn này. Tuy nhiên, như vậy là không đủ, đã tới lúc các bộ, ngành khác cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm cụ thể hóa việc chặn đứng tình trạng SIM rác.