Không dễ vay vốn rẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trước đây, nhiều chương trình khuyến mại quảng cáo rầm rộ được các ngân hàng (NH) đưa ra nhằm kích cầu tín dụng DN dịp cuối năm, thì năm 2015 không còn lặp lại.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn phải chạy vạy

Từ tháng 11/2015, một DN có quy mô doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, chuyên về xuất khẩu vật liệu xây dựng đã quyết định chuyển toàn bộ các khoản vay ngoại tệ sang VND do lo ngại về những biến động tỷ giá trong năm 2016. Dù khoản vay hiện nằm ở một NH nước ngoài, song DN đã tất toán và chuyển nợ sang NH mới. Vị kế toán trưởng chia sẻ, với khoản vay trên 200 tỷ đồng, DN được nhiều NH săn đón bằng những điều kiện rất ưu đãi về lãi suất, thanh toán, thậm chí lãnh đạo DN còn được quà.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không dễ vay vốn rẻ tại ngân hàng.  	Ảnh:  Nguyễn Đức
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không dễ vay vốn rẻ tại ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Đức
Tuy nhiên, sau khi xem xét mặt bằng lãi suất cho vay của các NH không quá khác biệt (dao động 9 - 10%/năm), những điều kiện khác về tài trợ thanh toán…, DN đã lựa chọn NH đối tác là VietinBank. NH này trước đây đã tài trợ hàng trăm tỷ đồng vốn nội tệ cho DN. Dư nợ của khách hàng, cộng thêm cả các khoản vay trước đây tăng vọt, giám đốc chi nhánh VietinBank mừng ra mặt vì một khách hàng lớn giao dịch bằng cả chục khách hàng khác cộng lại, trong khi những DN có dòng tiền mạnh liên tục như vậy hiện không nhiều. Còn phía DN, bằng việc sử dụng các sản phẩm trọn gói của VietinBank, tính ra còn hưởng điều kiện ưu đãi hơn so với chọn dịch vụ của NH mới.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được săn đón và dễ dàng tiếp cận vốn NH như vậy. Khối DN vừa và nhỏ vẫn phải chạy vạy nhiều cửa, nhiều nơi. Giám đốc Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam Vũ Hoài Thu cho biết, rất muốn có thêm vốn để thực hiện nhiều ý tưởng kinh doanh mới, song nếu tìm đến NH, DN vẫn bị gợi ý mất thêm chi phí không chính thức nên cô đã từ bỏ ý định tiếp cận vốn NH. Còn Phùng Anh Tuấn - Giám đốc một DN tư nhân chuyên về công nghệ cho hay, vay vốn NH mà thiếu tài sản đảm bảo thì "chỉ có nước nhờ sổ đỏ của cha mẹ", mà phương án này thì nhất định anh không bao giờ chọn.

Ngân hàng “chắc tay”

Các NH thương mại đang từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường đón đầu nhu cầu vốn tăng cuối năm, nhưng không phải khách hàng nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Tại NH Đông Á, điều kiện đưa ra là DN phải là các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các DN tham gia chương trình bình ổn nhưng lãi suất ưu đãi cũng chỉ cho vốn ngắn hạn. Trong khi lãi vay trung, dài hạn vẫn được áp dụng đối với DN là 9%/năm. Điều kiện mà Eximbank đưa ra đối với DN nhỏ và siêu nhỏ dựa trên việc xếp hạng tín dụng nội bộ của NH và phương án kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn đó không dễ. NH đòi hỏi tài chính, kế toán phải minh bạch, chứng minh được dòng chảy của đồng vốn vay thì mới hỗ trợ tín dụng.

Ông Doãn Anh Tuấn - Giám đốc phát triển kinh doanh khối DN, VPBank cho biết, hiện chỉ có 30% DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn qua kênh NH. Theo số liệu mới nhất của NH Nhà nước tại Hội nghị tổng kết, ước tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 đạt khoảng 18%, đã vượt mong đợi. Nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối thì con số này sẽ là tin vui với nền kinh tế, nhưng giới chuyên gia cho rằng, vẫn còn thách thức rất lớn với ngành NH, đặc biệt là cơ quan quản lý. Thông thường, nếu tín dụng tăng, DN sẽ có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh dồi dào hơn, người tiêu dùng vay và chi tiêu nhiều hơn, các công cụ tài chính trên thị trường vốn cũng có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, dòng tín dụng năm nay chưa chảy đến và chưa đủ cho các DN sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản có vẻ được ưu ái khi các chính sách hỗ trợ cao, hấp thu tín dụng rất tốt.

Năm 2016, NH Nhà nước đặt mục tiêu dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt từ 18 - 20%. Con số này có thể dễ dàng đạt được nhưng chất lượng của tín dụng - dòng vốn có được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, DN vừa và nhỏ, có hoạt động sản xuất… mới là quan trọng.
Những ngày đầu năm 2016, nhiều NH đã cộng thêm mức lãi 0,2 - 0,8% cho một số khoản vay. Trước đó, những ngày cuối tháng 12/2015 cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt NH, gồm cả khối Nhà nước lẫn cổ phần. Nhận định về lãi suất cho vay trong năm 2016, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành, với tất cả các biến số đặc biệt về tài chính của thế giới và Việt Nam, việc hạ lãi suất cho vay trong năm 2016 là rất khó khăn.