Đây là câu hỏi của người lao động làm việc trong DN gửi tới Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu, tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải đáp chế độ, chính sách và sức khỏe cho người lao động” do báo Lao động Thủ đô tổ chức ngày 7/11.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu phản hồi: Đối với người lao động đang thất nghiệp, đủ tuổi nghỉ hưu, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thì người lao động đủ 15 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu. Và khi người lao động được hưởng lương hưu sẽ kèm bảo hiểm y tế miễn phí. Còn nếu người lao động chưa đủ thời gian 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với trường hợp người lao động hết tuổi làm việc, đủ tuổi nghỉ hưu thì DN vẫn nên giải quyết chế độ hưu trí cho họ. Sau đó, DN vẫn ký tiếp hợp đồng lao động với người lao động nếu người lao động tiếp tục muốn cống hiến. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng lao động mới thì DN cần phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Hiện nay, để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyết khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, trong thời gian người lao động bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Theo nguyên lý của bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ 20 năm.
Do đó, Điều 64 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu.
Đối với những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn. Theo quy định hiện hành, mức hưởng lương hưu tối đa là 75%. Để được hưởng mức lương hưu 75%, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm, lao động nam phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm.