Không gì có thể thay trái tim, khối óc, bản lĩnh của người làm báo

An Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đại biểu bên lề buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: Quang Phúc
Những người làm báo không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ðặc biệt, từ sau Ðại hội Ðảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Ðảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt hơn với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.
Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”.
Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.
Một đề nghị nữa được Thường trực Ban Bí thư nhắc tới là các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo”, Thường trực Ban Bí thư nói.