Không lo chồng chéo trong thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Nam Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, 9 tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp quận, huyện, phường, xã.

 Nguyễn Văn Nhiên
Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, đây là mô hình rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các địa phương cần làm quyết liệt, tăng cường thanh tra trên tất cả các tuyến, nhưng tránh chồng chéo và không được làm phiền DN.
Sau 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số địa phương, ông có đánh giá gì về mô hình này?
- Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành tại các quận, phường góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, huy động được nguồn lực trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực ATTP với việc tăng về số vụ phát hiện sai phạm và phạt tiền. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tốt hơn, người dân yên tâm hơn.
Tại Hà Nội, sau khi thực hiện mô hình này, những chuyển động trong hoạt động thanh tra cũng như trong công tác ATTP đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Hàng nghìn cơ sở tại các xã, phường triển khai thí điểm đã được “soi” chất lượng ATTP qua con mắt nghiệp vụ của hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động này, mô hình này phải chạm tới khả năng hạn chế tối đa vi phạm trong lĩnh vực ATTP, tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh thực phẩm thực sự tôn trọng luật pháp, lành mạnh.
Nhiều DN lo ngại, quá nhiều đoàn thanh tra từ cấp T.Ư đến cơ sở thì dễ xảy ra tình trạng chồng chéo, làm phiền đến DN?
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN. Theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của Thủ tướng Chính phủ thì đối với DN sẽ thanh tra không quá một lần trong một năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng, có đơn thư khiếu nại tố cáo hoặc có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi có những lúc bị trùng nhau giữa các đoàn thanh tra, nhưng đã có giải pháp xử lý. Nguyên tắc là, nếu kế hoạch thanh tra của tuyến trên mà trùng với tuyến dưới thì thực hiện theo kế hoạch của tuyến trên. Nếu kế hoạch thanh tra của các cơ quan cùng cấp chồng chéo nhau, trùng nhau thì các đơn vị phải ngồi lại với nhau để trao đổi bàn bạc, để có thể thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành mới hoặc một đơn vị phải rút.
Theo báo cáo của một số địa phương, vẫn còn tình trạng nể nang trong xử lý vi phạm, đặc biệt ở cấp xã, phường, vậy có biện pháp nào để khắc phục?
- Liên quan đến nghiệp vụ thanh tra ở cấp xã, phường thì trong chương trình đào tạo, chúng tôi đã có những bài tập huấn quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, nguyên tắc chung về xử lý vi phạm và trong xử phạt vi phạm hành chính.
Về vấn đề giám sát theo quy định của pháp luật hiện nay, trước hết Chủ tịch UBND các cấp, cụ thể ở đây là Chủ tịch UBND huyện và xã là người giám sát thực thi thanh tra chuyên ngành ATTP. Trường hợp cần thiết sẽ giao cho một bộ phận chức năng hoặc cá nhân cụ thể thực hiện nhiệm vụ giám sát để thanh tra phải phát huy được hiệu quả, hạn chế những sai phạm và tạo ra thị trường thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần