Không phải khí đốt, Ukraine đang lo ngại gì về Nord Stream 2?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Nó làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện", Yuriy Vitrenko - Giám đốc điều hành của công ty khí đốt nhà nước Naftogaz Ukrainy của Ukraine - bình luận liên quan đến đường ống dẫn khí tới châu Âu mới nhất của Nga.

Ảnh: Bloomberg 
Nguy cơ bất ổn chính trị 
Đường ống dẫn khí dưới biển dài 1.200 km từ Nga đến Đức đã gây tranh cãi ngay từ khi còn là kế hoạch trên giấy, bởi nó có thể cho phép tập đoàn năng lượng Gazprom của nhà nước Nga bỏ qua Ukraine trên tuyến đường cuối cùng để xuất khẩu năng tới châu Âu.
Do đó, các lo ngại với Nord Stream 2 của Kiev chủ yếu là nguy cơ bị vô hiệu hóa mạng lưới vận chuyển khổng lồ có từ thời Liên Xô cũ, nơi đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD ngân sách và sự đảm bảo an ninh năng lượng.
Thực tế, sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga được cho đã giảm đáng kể ngay từ khi dự án Nord Stream 2 được bắt đầu hơn 1 thập kỷ trước. Đó là mục tiêu nhằm nâng cao lợi thế trong các tranh chấp có thể xảy ra với quốc gia láng giềng, giữa bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng quân Chính phủ và phe nổi dậy ở miền Đông mà Kiev cáo buộc là do Moscow hậu thuẫn.
Theo Bloomberg, thị phần khí đốt mà nước này mua trực tiếp từ Nga đã giảm từ 80% vào năm 2008 xuống 0% vào năm 2020. Do đó, đánh giá về tác động của Nord Stream 2, Yuriy Vitrenko - Giám đốc điều hành của công ty khí đốt nhà nước Naftogaz Ukrainy của Ukraine - khẳng định "mối đe dọa là thấp hơn" trong cả về an ninh năng lượng và an ninh kinh tế.
Theo ông Vitrenko, lo ngại lớn nhất lúc này của Kiev là hiệp ước Mỹ - Đức hồi tháng 7, qua đó chấm dứt sự phản đối của Washington đối với Nord Stream 2, đang gửi một "thông điệp lạnh lùng" tới người Ukraine về giới hạn cam kết của phương Tây đối với an ninh quốc phòng của nước này.
"Nó làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện", ông Vitrenko phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Chiến lược châu Âu Yalta (YES) được tổ chức ở Kiev, "nếu nó gây bất ổn chính trị, sẽ có thể có luận điệu chống phá rằng "hãy nhìn xem, phương Tây chẳng mang lại điều gì". Đây chính là nguy cơ".
Cho đến khi đạt được thỏa thuận với Đức vào tháng 7 vừa qua, Mỹ đã phản đối mạnh mẽ Nord Stream 2, với các lệnh trừng phạt nhắm vào việc xây dựng đường ống. Ngay trước thềm đường ống dự kiến đi vào hoạt động, Hạ viện Mỹ tuần này đã thông qua một sửa đổi có hiệu lực tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ gần đây đối với những cá nhân và tổ chức liên quan đến việc xây dựng hoặc vận hành Nord Stream 2. Việc sửa đổi, nếu được Thượng viện thông qua, sẽ tái khởi động các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, các chính trị gia cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đang "giữ vòi" khí đốt tới thị trường châu Âu giữa bối cảnh giá tăng cao, nhằm gây áp lực buộc các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) cho phép Nord Stream 2 sớm bắt đầu hoạt động.
Điện Kremlin hôm 22/9 đã gọi các cáo buộc thao túng là "vô nghĩa". Hiện vẫn chưa rõ liệu Gazprom có ​​thể triển khai thêm năng lực sản xuất nào nữa cho châu Âu hay không.
Nga cũng từng phủ nhận bất cứ mục đích chính trị nào với Nord Stream 2, mô tả đường ống là dự án thương mại thuần túy. Gazprom cho biết, công suất vận chuyển bổ sung 55 tỷ m3/năm sẽ tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu, khi giúp đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Ảnh: AFP 
Ukraine đã thật sự hết phụ thuộc khí đốt Nga?
Hiện Ukraine đã chuyển hướng chiến lược sang các nhà cung cấp châu Âu với chi phí đắt đỏ trong bối cảnh giá cả tăng vọt. Theo Naftogaz, Ukraine đã trả trung bình 520Euro (610USD) cho mỗi 1.000 m3 khí trong nửa đầu tháng 9 này, so với mức giá 202USD hồi tháng 1.
Và đây được cho cũng chính là một rủi ro với Ukraine. Trong khi nước này hiện mua khí đốt từ châu Âu, phần lớn chúng vẫn đến từ Nga. Việc tránh mua nhiên liệu trực tiếp thực tế lại dẫn Ukraine đến một sự phụ thuộc khác vào khí đốt Nga, thông qua các đường ống ngược từ các quốc gia Trung Âu khác.
Do đó, cái gọi là "cuộc chiến khí đốt" vào các năm 2006 và 2009, khi Gazprom cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine trong các cuộc tranh chấp chính trị và giá cả giữa mùa Đông, được cho không phải là không thể lặp lại, dù đã ít khả năng hơn.
Tuy nhiên theo Giám đốc Vitrenko của Naftogaz, nguy cơ kinh tế lớn nhất với Ukraine có thể là việc Gazprom vẫn duy trì đường ống khí đốt cũ và xem Ukraine như một nhà trung chuyển.
"Khối lượng thấp sẽ tạo ra những thách thức kỹ thuật cho một hệ thống được thiết kế vốn để di chuyển tới 146 tỷ m3 khí/năm. Nếu Gazprom ngừng vận chuyển hoàn toàn thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi", ông Vitrenko giải thích.
Theo một ước tính, phí trung chuyển khí đốt hiện nay chỉ bù đắp được 1 tỷ USD cho chi phí duy trì và vận hành mạng lưới của Ukraine. Khối lượng vận chuyển của đường ống cũ sẽ giảm từ 20 tỷ m3/năm đến mức 0 sau năm 2024, dẫn đến các khoản phí từ Nga - trị giá 7 tỷ USD trong hợp đồng 5 năm hiện tại với Ukraine - sẽ giảm hơn nữa. Mỹ và Đức cho biết họ sẽ tìm cách đảm bảo nguồn doanh thu này cho Ukraine.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần