Không phân biệt trẻ chưa hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đi học

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo chiều 17/3.

Trẻ không tiêm vaccine, không bị phân biệt khi đi học

Chiều 17/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống.

Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, không phân biệt đối với trẻ chưa tiêm hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đến trường.
Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, không phân biệt đối với trẻ chưa tiêm hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đến trường.

Tại buổi họp, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thông tin về công tác chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang chờ kế hoạch chính thức của UBND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế trong công tác chuẩn bị. “Cụ thể, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường lập danh sách trẻ em và học sinh nằm trong độ tuổi tiêm vaccine, tổ chức hướng dẫn cách tiêm chủng, cấp tài khoản cho mỗi trường có học sinh trong đối tượng tiêm. Sở GD&ĐT cũng đang nhập thông tin trẻ lên hệ thống Covid-19, các trường cũng đã tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh học sinh về lợi ích việc tiêm vaccine, phản ứng sau tiêm, trách nhiệm - quyền của trẻ khi tiêm vaccine phòng Covid-19” - ông Trịnh Duy Trọng nói.

Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, qua khảo sát cho thấy kết quả đồng thuận của phụ huynh đồng ý cho con mình tiêm vaccine phòng Covid-19, như sau: Khối mầm non là 60,49%, khối tiểu học 81,19%, khốiTHCS (lớp 6) là 87,68%. Sở GD&ĐT vẫn đang tổ chức công tác chuẩn bị và tiến hành tiêm vaccine ngay khi có kế hoạch.

“Đối với những trẻ không tiêm vaccine phòng Covid-19, khi đi học sẽ không bị ảnh hưởng hay hạn chế. Bởi việc tiêm vaccine và hoạt động học trực tiếp là độc lập. Đối với trẻ chưa tiêm vaccine sẽ có sự quan tâm, chăm lo cho các em theo cách tốt nhất” - ông Trịnh Duy Trọng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, F0 và F1 vẫn phải cách ly theo quy định, chưa được đi làm nếu vẫn dương tính.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, F0 và F1 vẫn phải cách ly theo quy định, chưa được đi làm nếu vẫn dương tính.

F0 vẫn phải cách ly, chưa được đi làm

Đối với những câu hỏi như để mua được thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, cần yêu cầu gì? Sở Y tế có khuyến cáo gì đối với trường hợp bị F0 đi mua thuốc?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Hiện nay chưa có hướng dẫn mới của Bộ Y tế nên vẫn thực hiện theo quy định: Người bị F0 phải có toa thuốc của bác sĩ thì nhà thuốc mới bán thuốc điều trị Covid-19. Nếu người dân bị F0 nhưng đã khai báo qua phần mềm sẽ được nhân viên y tế xuống nhà kiểm tra và phát thuốc Molnupiravir miễn phí. Ngoài ra, người dân có thể chọn các dịch vụ: Dùng toa của các bác sĩ phòng khám tư, phòng khám - bệnh viện công vì thuốc Molnupiravir là thuốc sử dụng có điều kiện, có những bệnh lý chống chỉ định, do đó phải có bác sĩ kê toa. Đối với những hình thức rao bán, quảng cáo, mua bán thuốc Molnupiravir trên mạng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Việc người dân muốn mua thuốc điều trị Covid-19, hiện nay Sở Y tế vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, khi nào có hướng dẫn sẽ cung cấp thông tin”.

Về những trường hợp người lao động là F0, F1 có được đi làm như tỉnh Long An và Cà Mau đã thực hiện? Ngành Y tế đã chuẩn bị gì cho chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, có bao nhiêu nhân viên tiêm? Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin: "Đến hôm nay chúng ta vẫn thực hiện theo hướng dẫn số 604 của Bộ Y tế về quản lý và điều trị người bị F0. Do đó các trường hợp F0 phải cách ly theo quy định 7 ngày, sau đó xét nghiệm nhanh (do nhân viên y tế thực hiện, hoặc người bệnh tự thực hiện trước sự giám sát của nhân viên y tế) nếu cho kết quả âm tính thì được di chuyển, đi làm. Nếu vẫn còn dương tính thì tiếp tục cách ly theo quy định, do vậy những trường hợp là F0 chưa được đi làm. Đối với chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, hiện nay Sở Y tế vẫn đang phối hợp với Sở GD&ĐT. Số lượng nhân viên tiêm, đội ngũ tiêm vaccine bao nhiêu là tùy thuộc vào số trẻ em, vào thời điểm tiêm. Tiêm cho trẻ em khác với tiêm cho người lớn, do đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu khám sáng lọc đến sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, tác dụng phụ sau tiêm”.

 

Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: Đối với việc một số cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nhận tiền ủng hộ khắc phục hậu quả Covid-19, hiện nay UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, trả lời về việc một lãnh đạo của Sở đã phải trả lại 4,6 triệu đồng đã nhận và lý do trả lại: Sau khi có văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu làm rõ nội dung liên quan đến đơn tố cáo. Sở LĐTB&XH đã họp các thành viên trong Ban Chỉ đạo của Sở gồm 18/21 người (3 người vắng vì mắc Covid-19). Sau khi nghe báo cáo công khai việc thu - chi khoản tiền nêu trên, được biết vào khoảng tháng 12/2021, UBND TP đã chi tiền hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp. Trên cơ sở đó, thành viên Ban Chỉ đạo của Sở LĐTB&XH đã thống nhất trả lại 4,6 triệu đồng đã nhận.