“Không quá khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình?”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ: “Không quá khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình?”.

Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm gây ra những tác hại to lớn đối với kinh tế xã hội, sức khỏe của con người. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi mất an toàn thực phẩm; cần có đường dây nóng, cơ chế tiếp nhận phản ánh về mất an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời;..

  Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho rằng, nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là do quản lý nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn bất cập. Do vậy, cần đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để nhân dân giám sát; khẩn trương tổng kết mô hình quản lý về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm bẩn, cũng như xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm...

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, số lượng kinh doanh rượu theo kiểu truyền thống, rượu lậu, giả, nước giải khát theo mô hình tư nhân đang len lỏi vào các xóm làng, từ miền ngược đến miền xuôi, có nơi đã đến mức báo động nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng này. 

Đại biểu kiến nghị các giải pháp về quản lý sản phẩm bia, rượu kém chất lượng; sửa luật an toàn thực phẩm, nâng mức xử lý hình sự đối với những đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, thực tế không khó để tìm thông tin về những vụ bắt giữ thực phẩm bẩn trong thời gian qua.

Điển hình là hàng loạt các vụ bắt giữ cả chục tấn thịt, nội tạng đã bốc mùi hôi thối được nhập từ biên giới Trung Quốc. Bên cạnh đó là những thông tin chế biến nem chua bằng hoá chất hay dùng hoá chất để biến thịt bò, thịt lợn hôi thối thành bò khô…

Theo báo cáo, hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để mua thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất với hơn 4 nghìn loại khác nhau. 90% trong đó được nhập Trung Quốc, đáng chú ý là chỉ có 630 loại được lưu hành.

Theo đại biểu Nhân, đó là con số nhập khẩu được cho phép, chưa kể số lượng hoá chất được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu qua đường biên giới mà không kiểm soát được. “Không quá khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình?”, đại biểu Nhân bày tỏ băn khoăn.

Trước khi các đại biểu thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo cho biết: Đoàn giám sát đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với 3 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về ATTP, gồm: Y tế, NN-PTNT, Công thương và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về ATTP. Tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề: “Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” tại tỉnh Quảng Ninh, Bình Định và TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về ATTP, Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng nêu rõ, giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam Trong giai đoạn từ 2011 - 2016, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan Trung ương ban hành; 669 văn bản các địa phương đã ban hành về ATTP.
Nội dung các văn bản pháp luật ban hành về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ATTP… Các nội dung giao Chính phủ, giao Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh quy định trong Luật ATTP đến nay đều đã được cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao. Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 nhưng đến ngày 25/4/2012 mới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, đến năm 2014 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13 về phân công, phối hợp trong QLNN về ATTP giữa 3 bộ: Y tế, NN-PTNT, Công Thương. Số lượng văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa. Một số quy định trong Luật ATTP còn chưa phù hợp như: Quy định về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, về các tội phạm liên quan đến VSATTP…
Một số quy định về phân công trách nhiệm QLNN về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Luật ATTP đã được ban hành với nhiều đổi mới quan trọng, như: Tiếp cận quản lý ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thu gọn đầu mối quản lý ATTP từ 5 bộ xuống còn 3 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý ATTP và có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý ATTP của các bộ đối với từng nhóm sản phẩm.
Tuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp trong quản lý một số sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương; một số quy định còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể như quy định về quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu so với yêu cầu. Một số thực phẩm đặc sản, truyền thống địa phương hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý; một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như quy chuẩn kỹ thuật về sữa chế biến dạng lỏng...
Chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo nêu các giải pháp, kiến nghị: Về chính sách và cơ chế; về tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; xã hội hóa một số khâu dịch vụ quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm;...