Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể chậm chân trong thu hút FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, nhưng tốc độ thu hút đầu tư mới đang chậm lại.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tạo lợi thế thu hút FDI mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn.

Vốn đăng ký mới giảm, đâu là nguyên nhân?

Năm 2022, vốn FDI đăng ký đạt 27,72 tỷ USD (giảm 11%) so với năm 2021. 2 tháng đầu năm 2023 tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD, (giảm 38%) so với cùng kỳ năm 2022. Theo ông nguyên nhân từ đâu?

Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn


- Vốn giải ngân FDI vẫn ở mức cao, song có một thực tế là, vốn đầu tư đăng ký mới vẫn trong xu hướng giảm.

Đà thu hẹp quy mô dòng vốn FDI toàn cầu vẫn khó tránh những tháng đầu năm nay. Nó là ảnh hưởng tất yếu của diễn biến thế giới từ năm ngoái và vẫn tiếp diễn đến hiện tại gồm: căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát, nhu cầu toàn cầu giảm, nguy cơ suy thoái, điều kiện tài chính thắt chặt… Tất cả sự kiện này đều gây áp lực giảm đối với việc mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu thay đổi đáng kể.

Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Như Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài…

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt”, đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Trong nước, nhà đầu tư nước ngoài gặp một số rào cản do cách giải thích, áp dụng chính sách pháp luật thiếu đồng nhất giữa các địa phương.

Vẫn còn những thách thức không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa trở lại?

- Sự mở cửa của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với các nước thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nước trong khu vực và Việt Nam. Trung Quốc là nước thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ nhì thế giới sau Mỹ. Đó là một thách thức đáng kể cho Việt Nam.

Ở khu vực châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư và sản xuất hàng đầu, do vậy, khi họ mở cửa, vốn sẽ chảy vào thị trường này, cân nhắc vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực.

Tuy vậy, trong bối cảnh làm gia tăng sự gián đoạn trong sản xuất và thương mại, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khối các nước ASEAN khi các DN thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực.

Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam không nên trì hoãn

Thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) 15% dự kiến được áp dụng tại nhiều quốc gia bắt đầu từ năm 2024 sẽ ảnh hưởng gì tới luồng vốn FDI vào Việt Nam thưa ông?

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh:Thanh Hải
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh:Thanh Hải

- Thuế TTTC sẽ tác động rất lớn tới thu hút FDI của Việt Nam với các cấp độ khác nhau. Thỏa thuận thuế TTTC nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng. Cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro trở lên.

Các DN phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp.

Việt Nam tham gia tháng 4/2022 và là nước thứ 99 tham gia thỏa thuận này. Đến nay đã có hơn 140 quốc gia tham gia thỏa thuận.

Dự kiến cuối năm 2023, Quy tắc thuế TTTC bắt đầu được thực thi. Đến nay, nhiều nước rục rịch chuẩn bị áp dụng thuế TTTC, có nhiều quốc gia đang đầu tư lớn tại Việt Nam. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Đây là thách thức mới nhưng tôi cho rằng cũng là một cơ hội cực kỳ lớn vì một trong những điểm yếu của chúng ta là chưa xử lý được vấn đề chuyển giá trốn thuế.

Nếu có cơ chế thuế TTTC, chúng ta yên tâm là không mất đi những cái mà chúng ta trước đây không nhận được. Hơn nữa, nếu có một cơ chế thuế TTTC tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân. Chúng ta có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 Hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký. Đó là những lợi thế của Việt Nam.

Cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ

Hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của vốn FDI chưa thực sự cao, nhiều DN báo lỗ, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như những ưu đãi mà khu vực này được hưởng. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này? Đã đến lúc tránh dành ưu đãi quá nhiều, không hợp lý cho nhà đầu tư nước ngoài?

- Tình trạng hàng chục nghìn DN FDI báo lỗ không có gì lạ và câu chuyện chuyển giá, lỗ giả lãi thật đã được đặt ra.

Áp dụng quy tắc thuế TTTC sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam là, đối với những DN trước đây mà nằm trong 55% DN có vốn FDI báo lỗ năm 2021 (theo báo cáo của Bộ Tài chính). Liệu trong 55% đó có bao nhiêu DN lỗ thật, bao nhiêu DN lỗ giả? Khi có thuế TTTC, những DN đó rất khó khi không tìm được những “thiên đường thuế” chuyển giá nữa, buộc họ phải minh bạch hơn. Như vậy khắc phục nghịch lý DN FDI vừa mở rộng đầu tư kinh doanh, nhưng vẫn báo lỗ.

Chính sách thuế TTTC tác động nhiều mặt cả tích cực và tiêu cực. Vậy Việt Nam nên hành động thế nào? Có ý kiến cho rằng, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ các DN chịu tác động từ thuế TTTC? Quan điểm của ông thế nào?

- Chúng ta đã hội nhập không thể không tham gia. Không tham gia thì chúng ta cũng mất nguồn thu chênh lệch thuế đó. Theo đó, để phù hợp với Quy tắc thuế TTTC, chúng ta có thể nâng mức thuế đối với các DN FDI lên mức 15%.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, để bảo đảm môi trường đầu tư cạnh tranh, đủ để tiếp tục thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, hỗ trợ các đối tác mở rộng sản xuất, cũng cần có các ưu đãi khác thay vì ưu đãi thuế như trước đây nhưng không vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đây cũng là vấn đề khó mà Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tìm giải pháp.

Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng. Ví dụ như hỗ trợ về chi phí trong giai đoạn đầu đầu tư, bao gồm hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng. Đây cũng là hình thức cần sớm nghiên cứu khi việc áp dụng thuế TTTC đang cận kề. Tất nhiên, bất kỳ chính sách nào cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng, cũng như hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân và DN.

Thưa ông, đâu là khó khăn, thách thức trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay? Trong bối cảnh mới như hiện nay (bối cảnh thế giới biến động, quy tắc thuế TTTC được thực thi, áp lực cạnh tranh với các nước khác…), theo ông Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh thu hút FDI có hiệu quả trong thời gian tới?

- Tất cả những vấn đề bất ổn về kinh tế, tài chính, chính trị, chuỗi cung ứng, khan hiếm nhiên liệu, chiến tranh... đều gây khó khăn cho việc thu hút vốn FDI. Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, ít nhất đến hết nửa đầu năm 2023, xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tại các nền kinh tế lớn vẫn tiếp tục đà suy giảm, trước khi kinh tế thế giới có thể phục hồi đà tăng trưởng trở lại. Khi đó, vốn FDI vào Việt Nam mới có thể phục hồi đà tăng trưởng.

Vấn đề là Việt Nam phải nhanh chóng hành động tăng tốc trong cuộc đua thu hút FDI.

Các công ty đa quốc gia bao giờ cũng có chiến lược đầu tư toàn cầu, và bình thường 5 - 7 năm họ mới thay đổi một lần. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, họ có thể sẽ điều chỉnh luôn. Nhưng các cơ quan xúc tiến đầu tư của chúng ta không tiếp cận được những thay đổi chiến lược ấy để hiểu họ cần Việt Nam hay không.

Việt Nam cần tập trung vào ba điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Muốn thu hút FDI, chúng ta phải sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án "khủng". Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics bất hợp lý. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á.
Và cuối cùng, chúng ta phải có loạt DN phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế, trong thời gian trước đây cũng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.

Nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp. Tôi đề xuất phần chênh lệch thu được thuế (nếu Việt Nam thực thi thuế TTTC) trích một phần cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!

 

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư thích ứng, ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở không vi phạm các quy định quốc tế để thu hút FDI từ các quốc gia phát triển. Cần đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế.
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn