Không thể để chậm trễ

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị trực tuyến lớn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì bàn về các giải pháp gỡ khó cho thị trường, vừa được tổ chức cuối tuần qua, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao.

Yêu cầu này của Thủ tướng đã mang niềm hy vọng nhiều hơn cho phân khúc nhà ở xã hội, với những “nút thắt” được mổ xẻ và đang dần được tháo gỡ.

Tại hội nghị này, Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc khơi thông thị trường bất động sản bắt đầu từ phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH).

Được biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ NƠXH mà các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Hiện, giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai khoảng 288.500 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn. Đây là con số không phải đơn giản để hoàn thành, nhất là khi những chính sách cho việc triển khai NƠXH còn bất cập.

Ở Hà Nội, NƠXH đã trở thành niềm mong mỏi của rất nhiều hộ gia đình. Với giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 so với giá bán chung cư trung bình trên thị trường, nên hầu như dự án nào khi có thông tin sắp mở bán, đều trở thành tâm điểm của thị trường thời điểm đó. Tuy nhiên, những dự án NƠXH phù hợp với đông đảo người có nhu cầu lại không nhiều, bởi lẽ liên quan tới quỹ đất, quy hoạch hạ tầng và chính sách ưu đãi để DN tham gia.

Có thực tế đáng buồn là hầu như DN không mấy mặn mà với phân khúc NƠXH, bởi những chính sách ràng buộc. Ví như, lợi nhuận của chủ đầu tư khi làm NƠXH chỉ được khống chế tối đa ở mức 10%. Nếu dự án chỉ chậm tiến độ một năm thôi là coi như không có lợi nhuận. Đó là chưa kể quy trình, quy định đối với NƠXH không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại khi chúng ta đang nghiên cứu xây dựng nghị định để thiết lập quy trình phát triển nhà ở thương mại, ví như quy định lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Hiện nay, quy trình đấu thầu rất tốn thời gian. Trong khi đó, dự án được giải ngân vốn vay để xây dựng NƠXH thời gian qua cũng không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là khá chậm. Hiện, dù đã có 23 dự án NƠXH có nhu cầu vay vốn nhưng chỉ só một số dự án đang “rục rịch” giải ngân. Đáng nói, cái “khó” của giải ngân cũng lại vướng chính sách.

Vì vậy, hội nghị gỡ vướng cho thị trường bất động sản vừa qua của Chính phủ được nhận định là đòn bẩy mạnh khơi thông thị trường, với khởi đầu từ phân khúc NƠXH. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt hoàn thành Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp", với các giải pháp cụ thể cho các địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng,… thực sự đang mở “cửa” sáng cho NƠXH.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, NƠXH là loại hình nhà ở có yêu cầu đặc thù. Chính vì thế, không nên xem đây là giải pháp tình thế, là "điểm mờ" trong phát triển đô thị cần hướng tới mà mục tiêu là bảo đảm bền vững, môi trường sống thích hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.