Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể so sánh Fukushima với Chernobyl

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay sau khi Nhật Bản nâng mức báo động khủng hoảng hạt nhân lên mức 7, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (IRNS) cho rằng, tuy sự cố tại Fukushima I là nghiêm trọng nhưng nó không thể sánh được với thảm họa Chernobyl

KTĐT - Ngay sau khi Nhật Bản nâng mức báo động khủng hoảng hạt nhân lên mức 7, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (IRNS) cho rằng, tuy sự cố tại Fukushima I là nghiêm trọng nhưng nó không thể sánh được với thảm họa Chernobyl do lượng phóng xạ rò rỉ ra ngoài vào thời điểm trầm trọng nhất (từ 12 - 21/3) chỉ bằng 1/10 so với lượng phóng xạ tại Chernobyl.


Chuyên gia hạt nhân Kenji Sumita (Đại học Osaka) lập luận: "Fukushima có những nguy cơ riêng, nhưng nếu so sánh với Chernobyl thì là quá đáng. Sự cố hạt nhân Fukushima hầu như không thể tác hại đến sức khỏe con người ở các nước láng giềng như sự cố Chernobyl". Cùng chung quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Denis Flory tuyên bố: "Sự cố tại Fukushima hoàn toàn khác so với Chernobyl".


Trong khi Chernobyl không có cơ cấu ngăn chặn và không thể ngăn chặn việc phun các chất liệu đã bị nhiễm xạ lên không trung. Các lò phản ứng ở Fukushima được xây trên nền đá granite và được bao bọc bởi các lớp vỏ thép, bê tông cốt thép rất vững chắc và có thể chịu được mức phóng xạ cao gấp nhiều lần so với hiện nay. Chernobyl có bán kính nhiễm xạ tới 500 km và một khu vực có bán kính 30 km bị coi là khu vực đặc biệt, không thể cư trú suốt 25 năm qua, trong khi cư dân quanh Fukushima I với bán kính 30km chỉ bị buộc phải sơ tán và vẫn có khả năng có trở về nhà. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra là mất khả năng làm lạnh các lò phản ứng hạt nhân, các chuyên gia vẫn có thể sử dụng các biện pháp khác như làm lạnh bằng không khí hoặc làm ngập các lò phản ứng bằng nước.


Điểm khác biệt nữa giữa ChernobylFukushima I là sự minh bạch thông tin. Nếu như sự cố tại Chernobyl đã bị che giấu đến 2 ngày mới được các cơ quan chức năng dần tiết lộ do những đám mây phóng xạ đã lan sang tận Tây Âu thì Nhật Bản đã liên tục cập nhật và cung cấp thông tin cho giới truyền thông. Liên quan đến một số luồng ý kiến cho rằng, việc Chính phủ Nhật Bản nâng mức báo động của sự cố hạt nhân là vội vàng, Thủ tướng Naoto Kan cho biết, Chính phủ nước này không đánh giá thấp sự cố hạt nhân tại Fukushima I và không chậm trễ khi nâng mức độ nguy hiểm khi xảy ra sự cố này. Giáo sư Takahashi Sentaro, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân (Đại học Kyoto) cũng cho rằng, việc nâng báo động hạt nhân lên mức cao nhất là phù hợp do việc ô nhiễm phóng xạ trong đất đai tại một số khu vực gần nhà máy Fukushima I cũng nghiêm trọng tương tự với sự cố Chernobyl. Tuy nhiên, tỉnh Fukushima có lượng mưa tương đối nhiều nên phần lớn chất phóng xạ sẽ được xối ra biển và không lưu cữu lâu như tại Chernobyl.
.

Mặc dù, Thủ tướng Naoto Kan khẳng định tình hình tại Fukushima I đang từng bước ổn định và cam kết Nhật Bản sẽ chiến đấu với cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một tháng qua tại nhà máy điện hạt nhân này "bằng mọi giá". Nhưng các chuyên gia lo ngại điểm yếu của Fukushima I là phải tiếp tục hứng chịu các trận động đất mạnh trong tương lai, gây khó khăn cho việc xử lý sự cố. Ngay trong sáng 13/4, một trận động đất có cường độ 5,8 Richter đã làm rung chuyển tỉnh Ibaraki và các khu vực Đông Bắc Tokyo. TEPCO cho biết đang nỗ lực để chuyển 700 tấn nước nhiễm xạ trong lò phản ứng số 2 sang các đường hầm để các công nhân vào có thể vào tiếp cận và khôi phục lại hệ thống làm mát của lò phản ứng.