Nguyễn Thị Minh (Huyện Hoài Đức, Hà Nội) Trả lời Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, gia đình bạn phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Trường hợp không có khả năng trả nợ, tức là không thực hiện đúng cam kết thì gia đình bạn phải chịu trách nhiệm dân sự đối với ngân hàng và phải bồi thường thiệt hại cho ngân hàng nếu có thiệt hại xảy ra. Ngân hàng có quyền yêu cầu gia đình bạn thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ như đã cam kết hoặc xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng. Khi ký kết hợp đồng, gia đình bạn và ngân hàng có thể đã thỏa thuận và thực hiện các thủ tục cần thiết để sử dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Điều 318 Bộ luật Dân sự 2005: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp. Như vậy, khi gia đình bạn không còn khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ có các biện pháp xử lý sau: - Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho gia đình bạn (nếu có thỏa thuận). - Xử lý tài sản mà gia đình bạn đã cầm cố, thế chấp (nếu có thỏa thuận). Điều 355 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc xử lý tài sản thế chấp: “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này”. Tài sản bảo đảm sẽ được xử lý theo phương thức đã được hai bên thỏa thuận hoặc bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, khi gia đình bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc gia đình bạn thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết. Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn