70 năm giải phóng Thủ đô

Không uống rượu, bia nhưng có nồng độ cồn, nên làm thế nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn triển khai việc đo nồng độ cồn, khiến không ít người đặt nghi vấn, chưa thực sự tin tưởng vào kết quả máy đo nồng độ cồn. Trong trường hợp không uống rượu, bia nhưng có nồng độ cồn, người tham gia giao thông nên làm gì?

Có nồng độ cồn dù không uống rượu, bia

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã quy định hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai việc kiểm soát, đo nồng độ cồn và đóng góp tích cực giảm tình trạng tai nạn giao thông do việc uống rượu, bia.

Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện kiểm soát lỗi vi phạm nồng độ cồn
Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện kiểm soát lỗi vi phạm nồng độ cồn

Tuy nhiên, cũng phát sinh một số tình huống bất cập, xảy ra khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiện thị thông số nồng độ cồn. Ví dụ như các trường hợp có thể ngậm cồn y tế hoặc thuốc giảm đau điều trị đau răng. Chúng ta biết cơ chế lên men do ăn trái cây, cũng có thể lên men cồn, khiến cho những người này khi bị đo nống độ cồn cảm thấy bức xúc, không phục với kết quả đo nhưng cũng không biết làm thế nào chứng minh mình không uống rượu, bia.

Chia sẻ trên một diễn đàn, anh Phạm Trí cho biết, dù không uống rượu, bia từ Tết, nhưng mới đây, tại một chốt kiểm soát nồng độ cồn ở quận Cầu Giấy, anh vẫn bị máy đo nồng độ cồn của cảnh sát báo là có nồng độ cồn trong hơi thở. Sau một lúc chờ đợi, thổi lại thì có thông báo của máy “không phát hiện nồng độ cồn”. Cảnh sát giao thông giải thích có thể hơi thở của người trước đó bị lập biên bản vi phạm vẫn còn lưu trong máy, nên báo sai.

“Tôi khuyên các tài xế, nếu rơi vào trường hợp như tôi, hãy yêu cầu đổi ống thổi, và để các anh cảnh sát thổi vài lần rồi hãy tự làm, tránh trường hợp bị phạt một cách không rõ ràng” - anh Phạm Trí chia sẻ.

Người dân không cần quá lo lắng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, mặc dù khi xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm. Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Người dân khi tham gia giao thông cũng không cần quá lo lắng bởi nếu thực sự sử dụng thức ăn hay thuốc có nồng độ cồn, sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Trường hợp này có thể người vi phạm nên dừng xe, uống nước lọc, súc miệng, chờ một lúc kiểm tra lại. Hoặc có thể đến một trung tâm xét nghiệm gần nhất xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, có thể đề nghị phía cán bộ cảnh sát giao thông căn cứ kết quả kiểm tra, xét nghiệm lại để làm cơ sở đánh giá mình có vi phạm nồng độ cồn hay không.

Sau khi xảy ra vụ việc 6 cán bộ cảnh sát giao thông ở TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) bị bắt vì dùng máy đo nồng độ cồn không đúng quy định cho thấy rất nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn triển khai việc đo nồng độ cồn, khiến không ít người đặt nghi vấn, chưa thực sự tin tưởng vào kết quả máy đo nồng độ cồn. Điều này rất cần các cơ quan nhà nước có hướng dẫn, giải thích và công bố các thông tin về thông số, máy móc, quy trình đo nồng độ cồn. Đồng thời, cũng cần có quy chế, cách thức hướng dẫn người không uống rượu, bia mà máy đo lại có nồng độ cồn.