Không hiếm học sinh có khả năng vượt trội
Việc có trẻ có khả năng vượt trội là câu chuyện đã từng được nhắc đến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong khi ở nước ngoài, trẻ có khả năng vượt trội học vượt lớp khá phổ biến thì ở Việt Nam, những trường hợp học vượt lớp là rất ít. Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường Tiểu học đã đưa ra quy định rõ ràng về việc học sinh được phép học vượt lớp nếu “có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ”.
Đồng tình với quy định trên, nhiều chuyên gia giáo dục, trong đó có Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc cho học sinh học vượt lớp và việc này không chỉ áp dụng ở cấp tiểu học mà nên áp dụng ở tất cả cấp học phổ thông. Theo ông, để một đứa trẻ đã thạo kiến thức học mãi chương trình đã biết sẽ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán nhưng nếu được học phù hợp với khả năng khi vượt lớp, có thể trẻ sẽ rất hào hứng. Ông tin rằng, trường nào cũng có học sinh xứng đáng được học vượt lớp.
Thực tế ở nước ta có không ít học sinh có khả năng vượt trội nhưng lại cực hiếm học sinh xin học vượt lớp, lí do bởi phụ huynh không đề xuất với nhà trường. Theo quy trình thì gia đình phải có đơn đề xuất, sau đó các trường mới thành lập hội đồng xem xét, quyết định. Dù thẩm quyền là của nhà trường nhưng với các trường hợp đặc biệt như vậy thì bao giờ các trường cũng sẽ phải báo cáo ngành GD&ĐT cấp phòng, cấp sở.
Qua tìm hiểu được biết, không phải các cha mẹ có con được cho là vượt trội không nghĩ đến việc cho con học vượt lớp. Tuy nhiên, sau khi xem xét thấu đáo mọi mặt, các cha mẹ lo ngại rằng dù thành lập hội đồng thì việc đánh giá khả năng của đứa trẻ mới chỉ dừng lại chủ yếu ở mức độ cảm tính chứ chưa có cơ sở khoa học kết luận. Giả sử bố mẹ, thầy cô cho rằng con vượt trội toàn diện nhưng thực tế con chỉ có một vài khả năng vượt trội; các khả năng còn lại vẫn ngang bằng các bạn cùng tuổi, lúc này, việc học vượt với các anh chị lớn hơn chưa chắc đã tốt... Do vậy, đảm bảo cân bằng cho học sinh vượt lớp cả về trí tuệ và kỹ năng là câu chuyện không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.
Nhiều cách học vượt mà không cần vượt lớp
Để những đứa trẻ có tố chất tiếp tục phát triển khả năng vượt trội của mình, nhiều cha mẹ đã có phương án tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, khả năng của con bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có việc cho con tham gia các lớp học, câu lạc bộ của các thầy giáo giỏi và học cùng các anh chị lớn tuổi hơn. Trước khi tham gia các lớp học này, học sinh phải trải qua bài kiểm tra nghiêm ngặt của giáo viên để xém xét khả năng thực tế.
Tại các lớp học thêm chuyên sâu, việc học sinh học vượt lớp là chuyện không hiếm. Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 5 tại Hà Nội là một trong những học sinh có khả năng vượt trội về Toán. Hoàng Anh biết giải Toán lớp 3 từ khi còn học lớp 1, lớp 2 đã giải được Toán lớp 5 và giờ học lớp 5 thì đã giải được Toán khó lớp 7, 8, 9. Hiện, ngoài học trên lớp, bố mẹ Hoàng Anh đăng ký cho con theo học 3 lớp Toán nâng cao gồm: 1 lớp Hình học, 1 lớp Đại số và 1 lớp Tổ hợp cùng các anh chị lớp 7. Dù ít tuổi hơn, lại học với toàn học sinh giỏi nhưng sức học ở lớp nâng cao của Hoàng Anh không thua kém gì, thậm chí còn được đánh giá là nổi trội.
Cũng như Hoàng Anh, Nguyễn Ngọc Hải là học sinh lớp 4 nhưng ở lớp học thêm, em đang học cùng các anh chị lớp 5. Được biết, đây là năm thứ 2 em học chương trình vượt cấp ở lớp học thêm. Ngoài Toán, Hải cũng học vượt lớp (chỉ ở lớp học thêm) với môn Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bố mẹ em cho hay: “Khi học lớp 3, con đã làu làu chương trình Toán và tiếng Anh của các anh chị lớp trên nhưng gia đình mong muốn con được rèn luyện đều ở các môn và học kỹ năng theo đúng lứa tuổi; vì vậy, sau khi suy nghĩ, gia đình đã để con tiếp tục học ở lớp cùng các bạn. Sở dĩ bố mẹ cho con học thêm ở lớp cao hơn là muốn con nhuần nhuyễn chương trình, hướng tới đạt điểm cao tại kỳ thi chuyển cấp vào các trường chất lượng cao tốp đầu Hà Nội”- bố Ngọc Hải chia sẻ.
Không chỉ Toán, có nhiều học sinh có khả năng nổi bật môn tiếng Anh, Ngữ văn, Khoa học, Tin học, Âm nhạc, Hội họa…. Như trường hợp của học sinh Nguyễn Khôi Nguyên, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội. Mới học lớp 4 nhưng Khôi Nguyên đã thuộc và thành thạo 7 ngôn ngữ lập trình. Em thiết kế, nghiên cứu, sở hữu nhiều website riêng cùng các nền tảng công nghệ số. Các kỳ thi Tin học trẻ ở trường em đều đạt kết quả cao vượt lớp, thậm chí em còn nhận được một số lời mời của các trường đại học chuyên về công nghệ trong và ngoài nước. Dù có nhiều lựa chọn sớm nhưng gia đình Khôi Nguyên vẫn quyết định học tại trường tiểu học và ngoài giờ, em được thỏa đam mê lập trình, công nghệ tại những khóa chuyên sâu.
Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế cũng dễ dàng bắt gặp học sinh lớp dưới thi vượt cấp nhưng lại đạt giải cao hoặc Huy chương vàng. Muốn có kết quả tốt và tuyệt đối, trước hết học sinh đó phải có khả năng tư duy rất tốt, thậm chí là vượt trội cùng việc được ôn luyện đúng hướng, bài bản bởi các thầy cô giỏi và tâm huyết.
Các chuyên gia giáo dục cho hay, việc học trước, học vượt với học sinh nổi trội dù giúp đứa trẻ duy trì và phát huy khả năng nhưng đôi khi cũng khiến đứa trẻ gặp phải một số vấn đề tiêu cực như: chủ quan, tự mãn, chán học, chậm lớn…. Ngược lại, với trẻ không vượt trội nhưng lại được bố mẹ ngộ nhận, cho là con vượt trội và ép đi học vượt sẽ dẫn đến áp lực nặng nề cho trẻ. Vậy nên, việc cho con học trước, học vượt cần phải có sự quan sát, xem xét kỹ lưỡng để tránh gây phản tác dụng và hệ lụy cho chính đứa trẻ. (Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
“Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:
Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.
Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng GGD&ĐT xem xét quyết định”.- Điểm e, Khoản 1, Điều 35, Thông tư 28 Bộ GD&ĐT