Khu di tích Gò Đống Thây bị lấn chiếm nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quán cơm bình dân - hiệu sửa xe trong khuôn viên di tích.

Gò Đống Thây là di tích quốc gia được công nhận năm 1990 với diện tích hơn 26.000m2. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang bị 186 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu lấn chiếm xây dựng nhà cửa. Hiện, di tích rất nhếch nhác bởi hàng quán, đại lý ve chai, bãi tập kết vật liệu xây dựng…

Di tích quốc gia hay… xóm liều?

Gò Đống Thây nằm sát trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, nhưng nếu mới đến, nhiều người sẽ nghĩ đây là khu… xóm liều chứ không phải di tích lịch sử cấp quốc gia. Bởi biển chỉ dẫn vào di tích được cắm sát mép tường rất khó quan sát và thường xuyên bị các loại phương tiện xe ôm, taxi đỗ che lấp. Trong khi đó, khuôn viên khu di tích dù rất rộng nhưng lại bị "bao vây" bởi các bãi vật liệu xây dựng, vựa than tổ ong, bãi phế thải với những nhà cửa hàng quán lụp xụp bằng đủ chất liệu được các hộ dân dựng lên san sát khiến quang cảnh nơi đây càng thêm phần… nhếch nhác!
Quán cơm bình dân - hiệu sửa xe trong khuôn viên di tích.
Kinhtedothi - Quán cơm bình dân - hiệu sửa xe trong khuôn viên di tích.
Ông Nguyễn Văn Đông - cán bộ địa chính phường Thanh Xuân Trung cho biết: Năm 2010, khi UBND phường tiếp quản khu di tích, theo giấy tờ, khu này rộng hơn 26.000m2 và có tới 186 hộ dân với 400 nhân khẩu đang cư trú trong khuôn viên khu di tích. Tất cả các hộ dân này đều lấn chiếm di tích để xây nhà không phép, vì vậy các mảnh đất lấn chiếm này đều không có sổ đỏ và người dân thì không có hộ khẩu thường trú. Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Phạm Anh Vũ, dù khu di tích nằm giữa 3 tổ dân phố 15, 16 và 17 nhưng 186 hộ dân kia lại... không thuộc tổ dân phố nào. Khi nào có việc (ví dụ vận động đóng góp các quỹ, tuyên truyền chủ trương của quận, TP) thì chỉ có ông tổ trưởng tổ dân phố số 15 vào vận động các hộ dân này. Cũng theo ông Vũ, qua điều tra của Công an phường, trong khu di tích bị lấn chiếm có nhiều đối tượng đã từng vi phạm pháp luật cư trú.

Tìm giải pháp bảo vệ

Ông Vũ cho biết, trước đây, di tích do Ban quản lý Di tích danh thắng (Sở VH&TT) quản lý. Năm 2010 được bàn giao cho UBND quận Thanh Xuân, và phường Thanh Xuân Trung được giao thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với khu di tích. Năm 1997, theo thống kê sơ bộ có 46 căn nhà cấp 4 đã tồn tại trong khuôn viên di tích. Các chủ nhà nói trên có đóng thuế đất cho UBND xã Nhân Chính (khi đó di tích còn thuộc địa giới hành chính của xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm). Năm 2008, số hộ dân tăng lên 96; và đến năm 2013, số hộ lấn chiếm tăng lên tới 186. Ở đây có hộ lấn chiếm tới hơn 100m2, sau đó họ mua bán sang tay, có hộ thì chia nhỏ diện tích để làm nhà cho con cái, chính vì vậy số hộ mới tăng vọt lên.

Hiện nay, diện tích của khu di tích Gò Đống Thây chỉ còn 15.000m2 vì trước đây, UBND TP Hà Nội đã giao cho một đơn vị quân đội 6.200m2; trả lại dòng họ Phạm Quyền 570m2; xây dựng trụ sở UBND phường… Hàng năm, Đội trật tự xây dựng của phường Thanh Xuân Trung vẫn kiểm tra giám sát việc xây dựng nhà trong khuôn viên khu di tích để không làm phát sinh thêm các công trình mới. Đối với các công trình đã có do đã tồn tại từ trước nên UBND phường không có thẩm quyền di dời, phá dỡ.

Được biết, UBND quận Thanh Xuân đã có phương án chống lấn chiếm khu di tích. Theo đó, trước mắt giao cho UBND phường Thanh Xuân Trung quây tôn toàn bộ diện tích còn lại. Sau đó sẽ mời các nhà khoa học xem xét lại lịch sử khu di tích Gò Đống Thây để lập phương án bảo tồn tổng thể (ông Vũ cho biết, do việc bảo tồn tổng thể đang trong quá trình lên phương án nên chưa thể cung cấp cho phóng viên). Hiện, UBND phường Thanh Xuân Trung phấn đấu hết năm 2015 sẽ xây dựng xong phương án khảo sát, từ đó triển khai các bước tiếp theo để bảo vệ khu di tích Gò Đống Thây.