Khu di tích lịch sử Vũng Rô: điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu di tích lịch sử Vũng Rô (Phú Yên) được định hướng trở thành điểm đến du lịch văn hóa, du lịch lịch sử để giới thiệu với người cả nước và du khách quốc tế về cảnh đẹp thiên nhiên cùng với một huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Việt Nam.

Ngày 12/8, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đã ký quyết định phê duyệt đề cương xây dựng Đề án nâng cấp, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô.

Bến tàu không số nằm trong vịnh Vũng Rô, nơi tiếp nhận vũ khí chi viện cho miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Trung Nhân
Bến tàu không số nằm trong vịnh Vũng Rô, nơi tiếp nhận vũ khí chi viện cho miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Trung Nhân

Cụ thể, UBND thị xã Đông Hòa chịu trách nhiệm lập đề cương, dự toán và xây dựng đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô theo hướng bền vững, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời, xây dựng Khu di tích lịch sử Vũng Rô thành nơi tôn nghiêm để ghi nhớ sự kiện lịch sử Vũng Rô, nơi thiêng liêng để mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tưởng niệm, nhớ về những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc; tổ chức các nghi lễ, nơi viếng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những ngày lễ trọng đại của đất nước; tổ chức các buổi sinh hoạt, giáo dục niềm tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ đi trước.

Khu di tích lịch sử Vũng Rô cũng được định hướng trở thành điểm đến du lịch văn hóa, du lịch lịch sử với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ Vũng Rô để giới thiệu với người cả nước và du khách quốc tế về cảnh đẹp thiên nhiên cùng với một huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2024-2030, thực hiện nâng cấp, tôn tạo Khu di tích quốc gia Vũng Rô thể hiện trong theo Đề cương do UBND thị xã Đông Hòa lập, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Vào tháng 6/1997 Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: Trung Nhân
Vào tháng 6/1997 Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: Trung Nhân

Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, hiện địa phương có 112 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Các di tích nói trên thuộc loại hình lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo hướng bền vững, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tháng 12/2023, UBND tỉnh Phú Yên đã thông qua Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023 - 2030.

Cùng với các giải pháp được đưa ra, Phú Yên cần hơn 11.679 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Trong đó, kinh phí ngân sách Nhà nước hơn 771 tỷ đồng và khoảng 10.908 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa.

Cụ thể, Phú Yên sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, tôn tạo các di tích. Trong đó, tập trung các di tích tiềm năng phát triển du lịch, nhất là các di tích thuộc loại hình danh lam thắng cảnh.

Theo đó, đến năm 2030, Phú Yên ưu tiên huy động xã hội hóa đầu tư tôn tạo 9 dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với kinh phí dự kiến kêu gọi đầu tư hơn 10.900 tỷ đồng.

 

Bến tàu không số Vũng Rô là địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây, tổ chức tiếp nhận hơn 200 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong 4 chuyến tàu không số cập bến Vũng Rô, thì chuyến thứ 4 (tàu 143) cập bến đêm 15/2/1965 bị địch phát hiện. Để bảo đảm bí mật an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, quân ta đã chủ động dùng thuốc nổ đánh đắm con tàu ở khu vực Bãi Chùa, không để tàu lọt vào tay địch.

Ngày 18/6/1997, Bến tàu không số Vũng Rô được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.